Giải trí cao cấp. YÊU & LIỀU

Dân gian cho hay, tình yêu có họ hàng với Liều và Lỳ.

Lỳ ra sao tôi không rành, riêng Liều thì kinh nghiệm tôi đầy ra. Yêu, tôi liều khỏi nói. Ở cõi văn nghệ chả hạn, tôi vốn yêu chữ nghĩa Bùi Giáng. Trước tuổi 20, tôi đọc chả sót dòng nào của ông. Riêng thơ, tôi thuộc vô số kể.

Yêu, người tình bị đòn, ra tay nghĩa hiệp là chuyện thường tình.

 

Vụ xảy ra ở hội thảo khoa học do Hội đồng LLPB Văn học, Nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TPHCM, tháng 11-2013. Ở đó, tôi có tham luận. Cuộc diễn của tôi được bố trí ở ngày thứ hai. Buổi trước, tôi đọc thấy vài ý kiến hơi bậy bạ về Bùi Giáng, thế là tôi chuyển hệ. Tối về, tôi viết ngay bài mới, nhằm đánh đổ chúng.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Bùi Giáng “không có bài thơ hoàn chỉnh”; GS-TS Mã Giang Lân: thơ Bùi Giáng “là ngôn ngữ của bệnh nhân tâm thần”; Mai Quốc Liên: tấn phong Bùi Giáng “là vì cái gì?”; còn Ngô Ngọc Ngũ Long: họ “đều có ẩn ý của nó.”

Cả 4 ông bà trên đều là tay tổ, dân chữ nghĩa biết thế. Chơi, đứt tay như bỡn. Dưới kia phe họ lại chiếm số lượng áp đảo! Nhưng tôi khoái chiến, ngay trên diễn đàn lớn này.

Tôi đăng kí phát biểu miệng, chủ trì nhà phê bình Phan Trọng Thưởng hai lượt nháy: “Đầu giờ chiều, Sara nhé”. Tôi đợi, và đợi , để cuối cùng thì… hết giờ. Dự cảm trước, tôi phát văn bản cho mọi người ở giờ giải lao. Chơi nhau thế chứ!

 

Bài tranh luận có 2 phần, tóm phần [I] bà con đọc giải trí.

  1. Vũ Quần Phương (tạp chí Hồn Việt, số 74, tháng 10-2013) khẳng định BG “không có bài thơ hoàn chỉnh”. Tôi sẽ hỏi ông: Thế nào là một bài thơ hoản chỉnh? Tôi kêu ông chứng minh, riêng mình đọc tại chỗ 2-3 bài đáp lễ.

Nhớ, tạp chí Hồn Việt do Mai Quốc Liên nắm.

 

  1. 2. GS-TS Mã Giang Lân, sau khi cho ở bộ phận thứ nhất, Bùi Giáng có “Những bài thơ, câu thơ tuyệt bút, ngôn ngữ phóng túng, tài hoa… tiếng Việt trong sáng, tinh tế, tài tình”, thì bước sang bộ phận thứ hai, khi bình bài “Ngẫu hứng”, viết:

“Tất cả đều không có nghĩa. Thế nên thơ Bùi Giáng, ở dạng thứ hai này, chúng ta không thể/ không nên để công vào khảo sát. Đây là ngôn ngữ của bệnh nhân tâm thần.” (sđd).

Tôi sẽ cho ông biết ông đã sai to “ở bộ phận thứ hai”. Tôi bình: Chỉ có nhà phê bình ngoại khổ mới đủ khả năng bàn về một nhà thơ ngoại khổ, bằng không thì nên biết điều mà kính nhi viễn chi!

 

  1. 3. Còn Mai Quốc Liên: “Tấn phong ông, đề cao ông lúc này là vì những người yêu ông thôi, hay là vì cái gì?” (sđd), và Ngô Ngọc Ngũ Long (trong kỷ yếu): “Tất nhiên tất cả đều có ẩn ý của nó”, tôi sẽ có khẩu phần riêng.

Rằng độc giả và nhiều nhà phê bình miền Nam đã tấn phong Bùi Giáng từ những năm 60 của thế kỉ trước rồi, rằng trước 75 nhà xuất bản An Tiêm uy tín in đại bộ phận tác phẩm Bùi Giáng rồi, rằng chục năm qua tác phẩm ông tràn ngập hiệu sách trong nước rồi, thế tất cả họ ẩn ý gì, ông bà hãy chỉ ra?

 

Kết.

Vũ Quần Phương cho Bùi Giáng không có bài thơ hoàn chỉnh, tôi nói có rất nhiều; Mã Giang Lân cho bài thơ “Ngẫu hứng” vô nghĩa, không đáng khảo sát, tôi nói nó tràn ý nghĩa. Ai đúng ai sai?

Vũ Quần Phương viết “đôi ý kiến phản biện ôn tồn của tạp chí Hồn Việt đối với luồng ý kiến tôn vinh ông nhà thơ tâm thần làm thiên tài là một khuynh hướng tranh luận nên phát triển”. Mai Quốc Liên kết thúc bài “Bùi Giáng ‘thiên tài’” cũng có mong muốn “trao đổi cùng các vị”.

Cả hai đều khát khao TRANH LUẬN, vậy mà hổng chịu cho ông Inrasara đăng đàn tranh luận, hỏi có dzui hôn?

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *