“Hãy yêu, hãy yêu như ta chưa từng
những đứa con đi xa bỏ hoang làng mạc
mang bụi đất quê hương về miền xứ khác
Và hãy yêu hơn con người chân chất
sống một đời ôm mang đất – phù du” [Tháp Nắng, 1996]
Sinh viên Okinawa về Việt Nam ghé thăm palei Cham, và cả khi nghe tôi thuyết ở Đại học Nhật Bổn, đã ngạc nhiên vô cùng rằng, sau hai thế kỉ sống xen cư và cộng cư với người Việt, bị bao phen “trên” chủ trương đồng hóa [cụ thể là thời Minh Mạng và Ngô Đình Diệm] mà một dúm Cham vẫn tồn tại. Đầy bản sắc nữa là đằng khác. Lạ! Trong khi họ mới đấy mà đã…
Tôi nói, đó là do “sức mạnh nội tại của tinh thần văn hóa Cham” (xem Văn học Cham khái luận, 1994). Cụ thể hơn, tinh thần Pangdurangga hun đúc nên.
Cham Pangdurangga đi bất kì đâu chưa bao giờ để mất bản sắc: Văn hóa và tôn giáo, Akhar thrah và văn bản cổ, vân vân. Cả khi bà con “lưu lạc” đến nửa vòng trái đất: Hoa Kỳ, cũng hệt.
Bảo tồn bản sắc đã quyết liệt, mà “cắn xé” nhau cũng dữ dội [và buồn cười] không kém. Tại sao?
Thử điểm qua hai vụ điển hình.
- Trận đánh đấm chí mạng ở “Chiến trường Akhar thrah”, nhìn ở khía cạnh tích cực, là cách khiến sinh linh Cham và ngoài Cham ngoảnh về cộng đồng nhiều hơn, để tâm đến mảnh di sản văn hóa ông bà hơn. Ở đó nếu xảy ra bao chia xé cũng là do lòng người còn nuôi sân hận, chớ bản thân tinh thần Pangdurangga thì không.
Ba anh em tôi chẳng hạn, anh Phú Đạm viết Akhar thrah theo Ban Biên soạn sách chữ Chăm, Jaya Thuksiam theo Từ điển Moussay, tôi viết La-tinh theo kiểu của mình in chung tập thơ: Thơ Ba Anh Em, mà ba sinh linh ấy có bao giờ bất hòa, nói chi to tiếng?
Cãi vả to tiếng chăng là do ý muốn người khác theo mình, là thứ tinh thần đối kháng nhị nguyên tai hại, và tệ hại.
Cá nhân tôi thời ở BBS, tôi viết chữ Cham theo Tđ-Moussay, các bác, các thầy ở Ban có ai phiền tôi đâu, phần tôi cũng chả có nửa lời khích bác họ.
Hoặc tiết mục MA/MƯ vừa trình diễn trên sân khấu mới đây. Tôi viết Ramưwan, Mưnux, còn bạn viết Ramawan, Manus thì cứ việc. Tôi chả phiền bạn, chứ nếu bạn nổi hứng ba gai la ó tôi thì thành chuyện rồi. Chẳng phải sao?!
- Vụ khác to không kém: Nguyễn Văn Tỷ – Thành Phần ở “Hội đồng Sư cả Awal Ninh Thuận”. Là hai “trí thức” hàng đầu Cham, nên khi họ đụng trận, cả cộng đồng dồn hết cái nhìn về phía ấy, mà bỏ quên vụ căn cốt hơn: Đất Pô Riyak, để rồi Cham mất trắng (sẽ kể ở dịp khác).
Do ngộ nhận cộng lối tính toán lệch pha mà ra nông nỗi. Và nhất là do không ai chịu ai, như Inrasara đã từng dám CHỊU THUA. “Chiến trường Akhar thrah”, tôi từ chối lâm trận ngay từ đầu, và 10 năm sau đó cố tránh xa nhất có thể. Hơn chục bận bị tạp chí CPK đánh đấm xoa bóp, tôi đầu hàng ngay khi họ khai chiến, thì làm gì xảy ra xô xát? Có thế, tâm ta mới MỞ, trí ta mới SÁNG – để mà tìm lối giải sân hận.
Về vụ này, xin phép bạn thân kể câu chuyện hơi riêng tư nhưng cần thiết.
Chế Đạt em út thầy Tỷ và là bạn thân của tôi. Sau buổi mừng 85 sinh nhật thầy, ba anh em [hay thầy trò] ngồi lại với nhau. Câu hỏi của Chế Đạt khiến cả tôi lẫn thầy Tỷ tròn mắt đến không tin nổi, rằng: “Cái chức trong Hội đồng kia lớn đến đâu mà anh em tranh giành để phải brai rai nát bấy như thế?”
Thấy Tỷ có tham không? Tiền hay tiếng? – tôi nghĩ, dứt khoát là không rồi. Tôi nói với bạn:
– Bạn không theo kịp sự vụ rồi, anh Hai (thầy Tỷ) nhiều lần từ chối, để bộn lần các bác trong Hội đồng [có cả Pô Gru] qua nhà năn nỉ, anh Hai mới chịu vào ngồi đấy chứ. Đó là chi tiết quan trọng nhất bạn cần biết, còn lại, bạn hãy tự mình tìm hiểu thêm để rõ ngọn nguồn.
Đấy, anh em ruột yêu thương nhau là thế, học cao là thế mà còn ngộ nhận, huống hồ. Vậy, làm gì? Phân tích đúng sai là một chuyện, còn lại là ở TÂM và TÌNH con người. Khi tâm đã mở, tình sẽ hiển hiện, cuối rốt vấn đề tự tìm lối thoát khỏi mớ bòng bong.
Và Cham tồn tại.
Không phải tồn tại kiểu:
“Nước non Chàm không bao giờ tiêu diệt
Tháng ngày qua vẫn sống trong đêm mờ” (Chế Lan Viên)
Mà mạnh mẽ, trí tuệ và nhân bản. Để làm việc, và sáng tạo.