Ta có món Việt Nam học, ở đó tôi hai bận được mời hội thảo, xôm đáo để. Hiệu quả tới đâu không biết, dẫu sao ta đã có [dù chưa có Champa học, và…]
Ta học về ta, ta trông mong thế giới nghiên cứu ta, ngược lại, ta chả thèm học ai khác. Dù ai khác kia ở sát nách ta: Đông Nam Á. Liếc qua mục lục công trình Nghiên cứu văn học Đông Nam Á của PGS-TS Đức Ninh do Viện KHXH Việt Nam và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thực hiện năm 2004, mà ngán ngẩm. Lật qua trang cuối dòm phần tham khảo, càng thảm: 4 cuốn!
Nhớ,…
Năm 2006, tạp chí Tia Sáng làm chuyên đề về văn học Đông Nam Á, tôi viết tiểu luận “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”, cạnh đó dịch và giới thiệu ba nhà thơ Đông Nam Á, nếu có thêm Văn học Đông Nam Á đương đại nữa là đủ bộ. Vậy mà bố cáo ra cả nước không ai người giơ tay nhận nhiệm vụ!
Không tin cứ đọc FB Nguyễn Hưng Quốc, 19-7-2019.
Tôi nhớ David G. Marr, một sử gia về Việt Nam, có viết đâu đó, hình như trong một bài phân tích tạp chí “Xưa và Nay”, là ở Việt Nam, người ta không quan tâm mấy đến các vấn đề thuộc về nước khác, và, cũng do đó, không có ai thực sự là chuyên gia về nước ngoài. Hầu hết những người nghiên cứu về nước nào đó đều chỉ dừng lại ở mức độ phổ cập hoá kiến thức về nước ấy mà thôi. Công việc của họ là đọc rồi tóm tắt và thuật lại cho độc giả trong nước. Không có ai nghiên cứu chuyên sâu và có những phát kiến độc đáo đến độ khiến các chuyên gia của nước ấy phải cúi đầu khâm phục. Ngay với Trung Quốc là quốc gia gần gũi, có quan hệ đặc biệt với Việt Nam trong cả hàng ngàn năm như vậy mà, bạn thử nghĩ mà xem, có ai xứng đáng được gọi là nhà Trung Quốc học? Thú thực, tôi không biết ai cả. Trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Bởi vậy, không nên chê trách một số người dọ dẫm nghiên cứu về nước ngoài. Đó là con đường nên đi. Điều đáng tiếc là cho đến bây giờ vẫn chưa có ai đi thật xa trên những con đường còn khá vắng vẻ ấy. Tiếc.
Thuở bao cấp, tôi vô cùng ngạc nhiên với loạt ấn phẩm kiểu: “Vài nét về”. Hết Vài nét về văn hóa Lào, đến Bước đầu tìm hiểu tư tưởng Ấn Độ… Non nửa thế kỉ đi qua, dường ta vẫn hạ quyết tâm giậm chân tại chỗ. Nghĩa là, ta không cần học ai đến nơi đến chốn. “Ta là ta mà ta cứ mê ta”, cũng đủ!