Van Gogh vẽ, không vị nghệ thuật không vị nhân sinh. Ông vẽ BỞI VÌ ông vẽ, thế thôi. Như hoa hồng nở không tại sao, mà bởi vì.
Khẩu hiệu “Bảo tồn bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc” chỉ là chiêu trò phục vụ ý đồ chánh trị nhất thời, không hơn. Ngay tuổi 15, lang thang vào các palei Cham sưu tầm-nghiên cứu để làm nên bộ Văn học Cham, tôi có kêu bảo tồn gì đâu. Tôi làm BỞI VÌ tôi làm. Thấy nền văn học ông bà dựng lên nguy cơ trầm một, ngó quanh chả thấy ai, tôi xắn tay áo vào cuộc. Làm, và vui.
“Làm xã hội” cũng hệt, ai thích kêu to thì cứ kêu, tôi: KHÔNG. Dù nhập cuộc hết mình, hay tôi có rên đây đó, là do Bà Trời sinh định phận mình như thế, hoặc bị đòn đau mà rên lên một tiếng, chứ chả “mình vì mọi người” hay hi sinh vì cộng đồng chi chi cả. Bạn tự huyễn hi sinh, mà nơi ấy mới nẩy nòi vài sinh linh cò ke ngốc nghếch phản bác, bạn đã mất ngủ, rồi giận lẩy em chả em chả, hỏi có kẹt hôn? Là bạn vì cái gì chớ có “vì mọi người” đâu!
Còn hô hào “Cham đoàn kết”, đích thị trẻ con. Đoàn kết kiểu anh chị em, họ hàng ta, phe cánh ta hay Chàm mình bất kể trúng trật – cứ cắm đầu nói theo nhau, thà không gì cả còn hơn.
Bình phẩm chuyện thiên hạ, mỉa mai hay xỏ xiên ai đó, chỉ tự khai báo tâm hồn ta hời hợt. Hời hợt nên suốt ngày dòm khe cửa thiên hạ, rồi cất công bàn. Kém ơi là kém!
Hoa hồng nở BỞI VÌ hoa hồng nở. Hoa hồng không cần ưỡn ngực “báo cáo anh”.
Bạn hãy bắt đầu từ cái nhỏ nhất…
“Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế” (Tháp nắng, 1996)
Viết điều gần gũi thân cận bạn bằng lời lẽ im lặng nhất có thể, dù dự phóng là lớn, lớn đến “bất khả lượng đạt” – ở bên kia, đấu với thế giới ngoài kia.
Chớ gồng mình đại cồ to chi cho mệt.
Làm đặc san, người moi tìm tên mang tính đại diện, nào: Champaka, Vijaya, Bingu Champa, vân vân; tôi chọn Tagalau, khiêm cung và mộc mạc thế, không sướng sao. Bút danh cũng vậy, hết Po, Yang đến chữ nghĩa kêu rủng rảng, tôi đơn giản: Inrasara [Inra = họ, Sara = muối], chả phiền tới ai.
Thế nên, khi nhà báo gán cho tôi “nhà thơ đại biểu Cham”, tôi xua tay ngay: Nhà thơ chỉ đại diện bản thân hắn thôi, hắn không đại diện cho ai cả. Vĩ đại thì hắn nhờ [ai người nhờ theo thì cứ việc], còn nhỏ bé riêng mình hắn chịu.
Tôi cho đó là cách mở lòng, cho sự vật, ý tưởng, kiến thức, lời ba xàm đi vào và đi ra. Mở lòng, cho gió từ bốn phương thổi đến. Mở lòng, để tiếp nhận cái thanh tân. Hồn mình được nhẹ như mây trời, đến và đi. Cho và đi mất về biển xa.