Chuẩn bị cho LUẬN-01 & 02

Chuẩn bị cho LUẬN-01. ĐẮC ĐẠO, ĐỂ LÀM GÌ?

 

Khổng Tử vấn lễ Lão Tử trở về, liền đề thơ tặng đám học trò, rằng:

Con chim thì ta biết nó bay

Con dế thì ta biết nó duỗi

Thằng lão tử thì ta biết nó khệnh khạng lố bịch nhà ma

Nhưng nhà ma lố bịch là gì

Thì đó là điều ta không biết

(“Tái tặng Khâu”, Mưa Nguồn và Lá Hoa Cồn, NXB An Tiêm tái bản, Saigon, 1973)

 

Chuyện kể. Khổng Tử bái kiến Lão Tử, bị Lão Tử hạch sách, bắt bẻ đủ điều, ngài khiêm cung lắng nghe, kính cẩn ghi nhận…

“… trở về, 3 ngày không nói chuyện. Tử Cống thấy kỳ lạ, bèn hỏi thầy chuyện là thế nào. Khổng Tử nói: “Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy… Còn như con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. Ta hôm nay gặp mặt Lão Tử, ông ấy cũng như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi!”

 

Ba ngày không nói chuyện, và rồi cụ Khổng “để yên” bác Lão ấy ngao du tiên cảnh, để trở về cõi người ta terre des homes tiếp tục hành đạo: Tìm gặp vua chư hầu thuyết phục họ đem Đạo của mình ra ứng dụng để đem lại thái bình cho dân chúng, rồi dạy học trò, và san định kinh sách. “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”, miệt mài.

Có thể ví Lão Tử như A-la-hán đắc đạo qua bờ bên kia, cô đơn và kiêu ngạo với “sở đắc” của mình; còn Khổng Tử là vị Bồ-tát đáo bỉ ngạn, quyết định trở lại bờ này vận dụng phương tiện thiện xảo cứu độ chúng sinh. Và còn hơn thế…

Ngài biết mình biết ta, thấu lẽ trời và hiểu đạo người, khiêm cung đi vào cõi đời tục để dàn xếp nỗi người. Ngài thừa lực làm người cõi tiên, thừa trí làm “rồng”, nhưng không…

Tại sao?

 

Thử nghe Bùi Giáng luận:

“Trang Tử vốn thường dùng phép ngụ ngôn. Vậy thì cái việc Trang Tử nói về sự vụ Khổng Tử tìm tới Lão Tử để “vấn Lễ”, sự đó thật là có hay là không có?

Nếu không có, mà Trang Tử dựng lên làm có, thì ý Trang Tử muốn gì? Trang Tử thật có ý muốn dìm Khổng Tử, hay đó chỉ là một phép lập ngôn cưỡng bức của ông để đẩy lùi bọn nho hương nguyện? Lời đáp hiển thị một cách quá hiển nhiên.

Còn nếu sự vụ vấn lễ kia quả là có thật, thì ta nghĩ sao về Khổng Tử? Nếu quả thật ngài có nói với môn đệ rằng “con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, còn con rồng thì ta chẳng thể rõ nó lội lúc nào, nó bay lúc nào. Ta nay gặp Lão Tử như thấy rồng vậy”.

Nếu quả thật ngài trở về với môn đệ như thế, thì chúng ta nghĩ sao? Lời đáp cũng lại quá hiển nhiên.

Đừng nói chi tới Lão Tử là một bậc đại hiền (mà Khổng Tử biết rằng bọn môn đệ mình không đứa nào bì kịp), ngay đối với những nhân vật thường thường mà có được vài đức tính, ngài cũng không tiếc lời khen ngợi.

Vào thái miếu, việc gì sự gì ngài cũng hỏi. Ấy chẳng phải là vì không hiểu mà hỏi, ấy chỉ vì – thị Lễ giã.

Cái lời đơn sơ “vô khả, vô bất khả” của ngài, còn bàng bạc bao trùm hết mọi tư tưởng Trung Hoa…

Có thể rằng Lão Tử còn chấp trước. Có thể rằng Lão Tử còn khư khư bo bo với cái đạo vô vi của ngài. Có thể rằng ngài không rõ cái “sở dĩ nhiên” nào đã quyết định Khổng học. Có thể rằng Lão Tử không ngờ gì hết, không đủ tế mật để nghe ra cái lời đạm nhiên của Khổng: “thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an. Nhân yên sưu tai, nhân yên sưu tai!”

Ngôn ngữ Lão Tử có tính cách bộc trực, cực đoan, một chiều. Trang Tử đã lợi dụng Lão Tử để tấn công môn đệ Khổng Học, nhưng trong thâm tâm, Trang Tử có thể xem thường Lão Tử, mà kính phục Khổng Tử một cách không bến không bờ.

(Bùi Giáng, Thi ca tư tưởng, Ca Dao xuất bản lần thứ nhất, 1969, Sài Gòn, Việt Nam)

 

Luận như thế, Bùi Thy Sỹ như đi guốc vào bụng tư tưởng Khổng-Lão-Trang. Tôi nhớ đọc đâu đó, Bùi từng kêu rằng cả đám văn nhân Pháp không ai hiểu A. Camus cả, ngoài… Bùi Trung niên.

 

Không dừng ở đó, Bùi Thy Sỹ còn bỡn Lão Tử (Ngày tháng ngao du, 1971):

“Nietzsche thường có giọng nói lố bịch. Lố bịch một cách khệ nệ khệnh khạng như Lão Tử. Hoặc như những ông thiền sư lố bịch… Thơ văn tôi làm cũng có lố bịch, nhưng lố bịch một cách thơ dại, khiến người đọc vui vẻ trường thọ…

Lố bịch như thế khiến cõi đời thơ mộng ra. Chúng ta không còn ngạc nhiên gì nữa, nếu thấy bao nhiêu hoàng hậu trong sử xanh đều yêu mến Bùi Giáng, và xa lánh Nietzsche, xa lánh Lão Tử, xa lánh những ông thiền sư.”

 

Bài học thứ 1. Dù đã qua bờ bên kia, người đạo sĩ vẫn quay trờ lại với nỗi đau nhân quần.

 

 

Chuẩn bị cho LUẬN-2. TỐ CHẤT & MÔI TRƯỜNG

 

Triều đại này sụp đổ, triều đại khác lên thay, nhưng giới tăng lữ Bà-la-môn là bất biến. Không phải không nguyên do, khi kẻ nhận y bát từ giáo sĩ Bà-la-môn buộc phải mang dòng máu thuộc đẳng cấp mình.

 

Chuyện xưa. Pô Klōng Girai sinh ra mình đầy ghẻ lác. Lớn lên, cùng bạn là Klōng Can đi buôn trầu, trưa nằm ngủ dưới tán cây cao rộng, loài rồng sà xuống liếm sạch ghẻ lác, chàng “thrơh” đẹp và phương phi lạ thường. Sau đó chàng làm từ thành tích này đến thành tích kia, lập hết chiến công này sang chiến công khác. Ngài được Cham cho là vị vua anh minh nhất trong lịch sử Champa.

Pô Klōng Girai người đất Chakleng, cùng quê với… tôi.

 

Chuyện nay. Chakleng, cứ mỗi năm cuối tháng Sáu Cham lịch chuẩn bị đón Katê, Pô Palei gom đám trẻ sinh trong năm lại cho nằm một chỗ, chờ rồng về liếm. Trích Chân dung Cát (2006):

“Vậy là dân làng tôi chủ yếu sống bằng nghề mơ mộng.

Chính thứ ghẻ lác mơ mộng này làm thành địa phương tính dân làng. Mọi người sinh ra, và đợi con rồng… liếm. Qua tuổi hai mươi, ai cũng nghĩ mình đã được liếm một lần, không trúng khúc này cũng dính phần kia. Mà đã liếm trúng thật.”

 

Về tôi, trích Chân dung Cát:

“Từ Sài Gòn về, tôi bất ngờ nghe tin đồn – đồn về tôi, rằng tôi được rồng liếm, khá đậm, đậm nhất Chakleng, có lẽ. Như thể vào vòng quay vô hình đến lượt tôi thì bộ máy trục trặc và ngưng. Con rồng không để ý, liếm tới. Và tôi bị dính nước miếng rồng nhiều chỗ, thấm đậm.”

 

Tiếng đồn chả lấy gì làm oan!

Tôi, đứa con cá biệt của Đất Chakleng văn vật ngàn năm, làng cổ nhất trong các làng Cham sót lại hôm nay.

Tôi, cháu ngoại [cha của cha] thầy cao đạo, tác giả trường ca Ariya Rideh Apuy thọ đến tuổi 84; và là cháu nội [cha của mẹ] thầy Paxeh bị Việt minh ám hại khi chưa tới tuổi tứ thập: Tôi mang gien Bà-la-môn từ trong máu.

Tôi, chưa biết mặt chữ, đã thuộc lòng trường ca Ariya Glang Anak, thi phẩm nổi tiếng khó hiểu nhất, sâu thẳm cao vời nhất, chỉ có 116 câu ariya mà là tác phẩm vĩ đại nhất trong kho tàng văn học cổ điển Cham.

Tôi, thuở tiểu học thụ giáo hai ông thầy cao đẳng: Huỳnh Ngọc Sắng [sau 75 là thủ lĩnh Fulro Cham Pangdurangga]; Quảng Đại Hồng – cạnh Lưu Văn Đảo, ông là nhà mô phạm chuẩn mực nhất mà tôi biết.

Tôi, lên Trung học theo học các nhà giáo hàng đầu: Thành Phú Bá, Lưu Quang Sang, Nguyễn Văn Tỷ…

Tuổi trẻ tôi, xung quanh là khối người đàn ông tuyệt chiêu: Phok Dhar Cơk – Yogi cuối cùng của Cham; Vạn Ca – kĩ sư nông dân; Bá Chương – giọng ca trời cho; Đạt Bình – tay trống Ginang ngoại hạng; Mưdôn Thạch Tìm còn hơn thế; Kadhar Gam Muk – nghệ sĩ chép sách; Mưdôn gru Hán Phải – đứa con ghé uống nước của Mưdôn Jiao, thi sĩ dân gian tiếng cả vùng; Pô Adhya Hán Bằng được xem là vị Cả sư Bà-la-môn sáng giá cuối cùng của Cham hiện đại; Ông Chánh thầy pháp, rồi ông Mưdôn gru Dương Dọng; các anh em nhà họ Thiên sát cạnh nhà tôi nữa, trong đó Thiên Sanh Sở là thầy cao đạo học trò của học trò ông ngoại tôi; và không thể không kể đến Ông Klơng Phú Thân – lí trưởng chả ngán dù là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mỗi lần Cham có việc là nhờ đến tay ông. Tất cả họ, hoặc là bà con gần hoặc là láng giềng tôi, được Bà Trời cho tụ lại trong mươi nóc nhà thuộc hai liên gia xung quanh nhà mẹ tôi.

Không hiểu làm sao tôi được ưu ái đến thế!

Tuổi trẻ tôi xem họ như là những nhân vật bước ra từ huyền thoại đầy ắp hiểu biết với cá tính siêu vượt (xem: Inrasara, “Những người đàn ông của tôi”, 2016).

Tôi, đứa-con-Chakleng-sinh-linh-Cham nhận được mọi mọi ân huệ từ Bà Trời và từ những con người siêu đẳng đó. Được Bà Trời ban tặng TỐ CHẤT ấy trong MÔI TRƯỜNG sống ấy, 15 tuổi – tôi tự tin và háo hức bước chân vào cõi HỌC.

 

Bài học thứ 2. Thức nhận giá trị của mình, đồng thời nhìn ra khía cạnh tốt đẹp nhất ở sinh linh xung quanh.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *