Tôi học, dạy tiếng/ chữ Cham từ rất sớm. Riêng học, tôi học với nhiều gru khác nhau, trong đó có cả quý thầy ở BBS. Tôi đọc vô số văn bản Cham đủ loại, dịch cả ngàn trang văn bản Cham, sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ cũng không ít, và hiện nay tôi vẫn còn… học. Rồi khi lập Tagalau năm 2000, và năm 2007 cho ra website Inrasara.com, tôi có vô số dịp đối thoại, trao đổi về tiếng/ chữ Cham, nên có thể nói kinh nghiệm ngập tràn.
Tất cả tôi gộp vào chung trong bản thảo lấy tên: TIẾNG CHAM CỦA BẠN, dày cả ngàn trang. Nó không phải là từ điển, không chỉ có ngữ pháp, mà là những thứ liên quan đến tiếng và chữ Cham cùng bát ngát sự độc đáo cùng nỗi uẩn khúc của nó. Tiếc rằng hai năm qua tôi tập trung vào ĐI TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR AWAL, nên nó cứ bị trì hoãn không hoàn chỉnh được.
Ở serie stt này, tôi chỉ muốn nhấn về vấn đề “Làm thế nào Cham tránh đồng hóa về ngôn ngữ”. Sẵn các bạn bàn về tiếng/ chữ Cham, xin lược trích vài điểm để hầu chuyện.
*
[Lưu ý: chúng ta làm việc trên văn bản là chính]
Ví dụ 1.
Từ điển Aymonier MƠRAI (hay Mưrai, Mârai) và MAI đều ghi xuất xứ từ tiếng Nam Đảo: MARI. Như vậy, MAI được đọc gộp từ MƠRAI. Tuy nhiên, trong khi
MƠRAI có đến 4 nghĩa: venir, revenir, aller, marcher. Và TĐ này minh họa: Vơk mơrai: retourner; mơrai ni: viens ici; mơrai nau mơrai mai: aller et venir.
Thì MAI chỉ có 1 nghĩa: venir. Minh họa: Nau mai: aller et venir – đi và đến/ về.
Từ điển Moussay không có từ MƯRAI (hay Mơrai, Mârai) mà chỉ có MAI, với ngữ nghĩa duy nhất: ĐẾN.
Nghĩa là từ điển xuất hiện sau 55 năm đánh mất nhiều nghĩa của từ gốc. Tôi dùng từ “uổng” với Tuệ Nguyên là vậy.
Ví dụ 2.
PHALA là tiếng Sanscrit, Cham mượn biến thành:
Từ điển Aymonier: Phuơl, phual: fruit, récompense, bien, vertu; convenances; service
Từ điển Moussay: Phuơr (đúng hơn: phuơl, đọc là phôl) và chỉ có 1 nghĩa: phước, việc lành
Từ điển ĐH, Phuơl, có 3 nghĩa: năng suất; hiếu; phước, đức
Ví dụ 3.
MANUSIA là tiếng Sanscrit, Cham mượn biến thành:
Từ điển Aymonier: Cham Việt Nam: mơnuus, mơnuơs: homme, humain; le genre humain
Cham Cambodia: Mơnuơssia: homme
Từ điển Moussay: Mưnuis: người – home; còn Mưnôsak được dịch là: loài người – genre humain.
Amuchandra Luu lưu ý là, tuyệt đối không thấy có tiền trọng âm MA trong mưnus, hay mưrai. Phụ âm M có 2 chữ cái: MƯ và MA, trong Aymonier chỉ khi âm chính mang vần A, thì ông mới dùng chữ cái MA, ví dụ Amal: săn, Mak: tháng Chạp… còn lại TẤT CẢ được dùng chữ cái MƯ, cả khi ghép với bán nguyên âm hay đi cùng phụ âm đôi.
Ví dụ 4.
PURVA là tiếng Sanscrit, Cham mượn biến thành:
Từ điển Aymonier: Cham Việt Nam: Pur: est, à l’est – đông, hướng đông
Cham Cambodia: Purbak, nghĩa như trên;
Từ điển Moussay, thì Pur: Đông, còn Pur bak: chính Đông. Cũng vui chớ!
Từ 4 ví dụ trên, ta thấy các từ nguyên GỐC đa nghĩa, mang hàm nghĩa rộng và bao quát hơn, khi về đến Cham, nhất là Cham cận đại chúng bị qui định và hạn chế ngữ nghĩa, nghĩa là làm mất đi sự phong phú của tiếng nói rất nhiều.
Đây là điểm cần đến các nhà văn, nhà thơ viết tiếng mẹ đẻ suy ngẫm, chứ không phải nhà biên soạn từ điển.