NHÀ VĂN & TIỀN hay TỰ DO CHO VIẾT

[một kinh nghiệm hơi bị… xương máu, nên truyền đạt]

 

  1. Tôi giống Dos ở ám ảnh gần như bệnh hoạn về tự do.

Dos muốn có nhiều tiền, muốn không lệ thuộc vào tiền, để được TỰ DO CHO VIẾT. Chẳng có ngón nào xài được, ông quyết nghiên cứu cách đánh thắng roulette. Một lối nghĩ ngây ngô của thiên tài. Nghĩ là làm. Và ông đổ nợ, qua đó cả đời ông viết để trả nợ.

Dos yếu sức khỏe đành chơi dại vậy. Tôi khác, tôi có sức, và tháo vát.

Ngay rời ghế tiểu học, tôi đã biết làm ra tiền để tự trang trải việc học. Vào, rồi “ra” đại học, sau đó có gia đình và viết văn, tôi càng tháo vát tợn. Tháo vát mãi khi giao hết việc làm ăn cho bà xã với châm ngôn “nổi tiếng”:

TÔI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA.

Lúc ấy tôi đã có cơ ngơi thoải mái, dư 7 miếng đất ở Sài Gòn, đủ để sống cả đời TỰ DO CHO VIẾT.

 

  1. Thì đùng cái, Cty bà xã đổ nợ, lôi tôi suýt đổ nợ theo, như… Dos!

Tức thì tôi điểm mặt vài bạn văn, và viết tâm thư lâm li bi thiết, cầu cứu họ cho tạm ứng mỗi người 100-200 triệu, đợi đất bình ổn hay lên giá [vụ này vài bạn văn biết]. Tính đưa lên website, thì Jaya cản: Tại sao cei phải làm vậy? Cei đủ thông minh để làm khác mà. Vậy là thông minh… bán tháo!

Nghĩa là tôi đánh mất cơ hội lớn nhất đời để TỰ DO CHO VIẾT.

[kinh nghiệm 1: Mình thông minh, cần biết đào tạo kẻ xung quanh cùng thông minh]

 

  1. Đó là năm 2007, tôi đúng 50 tuổi. Thế buộc đẩy tôi vào viết báo [ảnh hưởng không ít đến nghề văn] kiếm tiền. Tôi viết cả trăm bài mỗi năm, thế nên dù nhuận bút Việt Nam thuộc hàng chết đói, tôi vẫn rủng rỉnh. Rủng rỉnh là CHO. Từ nhỏ, có tiền, xài hết rồi kiếm lại. Tánh trời, chịu.

Tuổi 20, bỏ Đại học về quê cày thuê nguyên năm, để cuối mỗi tháng tôi nhảy tàu vào Sài Gòn ôm sách về. Có bao nhiêu mang vét hết sách chợ trời, chỉ dành bạc lẻ đủ mua khoai nhai dọc đường. Về đến nhà, túi trống trơn theo nghĩa đen.

 

  1. Dù làm nhà văn, nhà nghiên cứu, tôi vẫn rủng rỉnh. Do không biết giữ tiền, tôi cứ muốn hụt.

[kinh nghiệm thứ 2: Làm phước quá tay ăn mày không kịp]

Viết nhiều công trình to thế, tôi có nhờ vả hay xin tài trợ đâu không? là câu hỏi thường gặp [và mới gặp]. Tôi nói: không. Ba lần, có người/ tổ chức biết và gợi ý cho, tôi định mức, họ đưa, vậy thôi – không ai lệ thuộc ai.

Có 1-2 bận tôi xin, nhưng không mặn mà cho lắm. Xin, do lời hứa cũ của họ, hay công cuộc đó ảnh hưởng đến chính đời sống [và thân nhân] họ. Tôi biết, lệ thuộc XIN, tôi tự đánh mất TỰ DO CHO VIẾT.

 

  1. Nay quá tuổi lục thập, sức hơi bị cạn… tôi vẫn chưa thôi ám ảnh về TỰ DO.

Rằng, khi xác phàm mình không còn cục cựa được nữa, để không phiền tới ai, nghĩa là không ảnh hưởng đến tự do của ai – cần làm thế nào? Có tiền, đã đủ chưa?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *