Chữ & Nghĩa 40. SỐNG, YÊU & VIẾT

Tôi còn buồn là tôi còn sống

Tôi còn viết là tôi còn yêu

Tôi hết yêu là tôi đã chết

(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

 

Mười lăm năm trước, tôi có viết bài báo nhỏ đăng Chamyouth: “Hiểu, thì càng yêu hơn”. Khi ta sống hết mình, ta quan sát và ta hiểu; hiểu, ta càng yêu hơn. Yêu hết mình, bằng cảm quan nghệ sĩ và con mắt mở lớn của trí thức, ta sẽ nhìn thấy cạnh khía mới, khác của sự thể, ta không sợ – ta sẽ viết hết mình.

Nhận định về phê bình Inrasara, tôi thích ý này:  “Đó là phê bình mang tính khơi gợi và có khả năng truyền cảm hứng”. Nó không khen, mà nó nói trúng. Xin dẫn vài ví dụ lẻ:

 

VỀ VĂN HỌC

– Sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa, bao nhiêu sáng tác nóng hầm hập VỀ SỰ KIỆN xuất hiện trên mạng toàn cầu, vậy mà chưa có bài nghiên cứu phê bình bài bản VỀ THƠ VĂN về sự kiện đó. Tôi mới có bài:

“Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, BBC, 9-7-2011; Sau đó, đề tài này được xới lại với so sánh liên tưởng thành: “Hồ sơ BBSS-3. Hoàng Sa – Trường Sa, hai cảm thức, hai loài thơ, hai hưởng thụ” và “Hồ sơ BBSS-12. Thơ yêu nước & câu chuyện hài hước đen”, Vanviet.info, 11-2015.

 

– Văn học miền Nam ảnh hưởng lớn đến viết thời gian qua là có thật, tình trạng vay mượn/ chôm chỉa là có thật, riêng điểm nhấn, tôi chưa thấy nhà nào tập trung. Tôi suy nghĩ về MÓN NỢ kia, và viết: “Chúng ta nợ gì ở văn học miền Nam?” Tham luận tại ĐH Thủ Dầu Một, 28-10-2016; Chủ trì Bàn tròn Cà-phê thứ Bảy, 30-10-2016; rồi nó được sửa sang và đăng tại: Vanviet.info, 2-11-2016.

 

– “Thế đứng của đĩ” Việt Nam trong thơ, hay Thơ trình diễn Việt Nam thể hiện qua 3 cảm thức sáng tạo khác nhau, cũng thế. Xem Vanviet.info, 11-2015: “Từ Tố Hữu đến Bùi Chát, nhìn lại thế đứng của đĩ Việt Nam”, “Thơ trình diễn Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại tiến lên… sến”.

 

Lặn sâu, hiểu, yêu và… viết.

 

VỀ NGHIÊN CỨU & XÃ HỘI

– Phản biện về Dự án Nhà máy ĐHN, ở đó nhà máy số 1 đặt trên đất Pô Riyāk, hàng năm bà con Cham các nơi đến cúng tế. Nhưng tại sao Pô Riyāk, và ông là ai, thì chưa có một nghiên cứu chuyên sâu.

Vị tiến sĩ Đức TQ thư cho tôi, than: Nếu Pô Riyāk chỉ tầm Thần Nam Hải trong văn hóa Việt, thì nó đâu giá trị cho “đấu tranh”. Thế nên, sau:

“Hành hương Po Riyak”, Vanviet.info, 16-4-2016; Boxitvn.net, 17-4-2016, tôi viết: “Po Riyak – Thần Sóng: Lịch sử, truyền thuyết và tục thờ cúng”, đăng tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 2-2016; in lại ở đặc san Tagalau 20, nxb Hội Nhà văn, 2016.

 

– Đấu tranh Vụ lấn đất Ghur Darak Neh, một nghĩa trang cố Cham Bà-ni thuộc vùng biển Ninh Chữ, tôi mới “phát hiện” đề tài: “Hải sử và văn hóa biển Cham” – đề tài tôi thuyết trình các nơi mươi năm qua.

Khi nói tôi là “đầu tiên”, bạn thơ Canada ĐQ bảo bạn anh kêu: “láo!” Tôi nói: Không láo đâu. Suốt dòng lịch sử, chuyện Cham giỏi nghề biển là thật, thật cả vụ “cướp biển”, hay giao hảo với các nước ĐNÁ hải đảo nữa. Nhiều sử gia và nhà nghiên cứu đã viết đây đó, thế nhưng đặt vấn đề “Hải sử và văn hóa biển Cham”, và nhìn nó qua nhiều góc độ, nhất là góc độ văn chương, ngôn ngữ và đời sống Cham, thì hoàn toàn CHƯA.

 

Kết. Ngay cả vấn đề “quá cũ” (chữ dùng của bạn thơ NTC) như sáng tạo và cô đơn, văn chương và chính trị, văn học và hiện thực, vân vân, nếu ta – bằng cảm quan mới, và chịu “lặn sâu” vào nó, suy nghiệm sâu thẳm nó, ta sẽ thấy khác, từ đó – viết khác.

Bởi không là chuyên gia, nên nhiều bài tôi chỉ viết với tính KHƠI GỢI, và TRUYỀN CẢM HỨNG cho bạn văn, cùng viết.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *