Tác giả: Inrasara, Lotus Media xuất bản, Hoa Kỳ, 2019
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên, ISBN: 978-0-359-51375-8
© Tác giả và nhà xuất bản giữ bản quyền.
3 NHẬN ĐỊNH MỚI NHẤT VỀ PHÊ BÌNH INRASARA
BGK Giải thưởng Văn Việt, 2016:
“Hồ sơ biên bản so sánh” là một lao động nghệ thuật nghiêm túc và tâm huyết, là một cách đọc về thơ tiếng Việt mang tính khơi gợi và có khả năng truyền cảm hứng cho độc giả nói chung. Có lẽ, cái đáng quý sau cùng là sự “tự thức, tự tri, tự ngộ” (chữ dùng của Inrasara) sau khi khép lại hồ sơ, của một ngòi bút phê bình đậm nhân tình thức gọi nhân tính đương đại đang bên bờ hố thẳm.”
Lại Nguyên Ân, Vanviet.net, 10-1-2016:
“Nếu đặt cạnh tất cả các trang phê bình gần đây, không chỉ trong năm 2015 mà rộng ra bên ngoài khung thời gian ấy nữa, bạn sẽ thấy như tôi, rằng đây là trường hợp khá hiếm hoi trong đó tác giả đưa vào tầm nhìn phê bình không chỉ một vài phạm vi giới hạn nào của ý niệm thơ tiếng Việt…
Dù nhìn từ góc độ tư duy so sánh hay óc phê bình, tôi dám cá rằng những tiền bối sáng giá trong thẩm thơ bình thơ như Hoài Thanh hồi những năm 1940, Lê Đình Kỵ hồi những năm 1960-70 chưa chắc đã thực hiện được những thao tác nghề nghiệp như trên.”
Chu Minh Anh Thơ, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, 2018:
“Inrasara là một nhà phê bình văn học đầy tự tin và bản lĩnh. Ông không ngần ngại đi đường trường một mình, ông viết phê bình như một hành động để tự thức và khai phóng. Các bài tiểu luận, phê bình sắc sảo của ông gây chú ý bởi tư duy và phương pháp viết mới mẻ, độc đáo. Chúng tôi tự hỏi liệu bức tranh phê bình văn học đương đại Việt Nam sẽ như thế nào nếu thiếu đi tiếng nói thẳng thắn và mới mẻ của Inrasara?
Luận văn có thể coi là một cuộc thám hiểm vào miền đất lạ của người viết. Trong quá trình đọc và nỗ lực nhận diện lối phê bình của Inrasara, người viết đã phải không ngừng phản tỉnh và nhiều lúc, thật không dễ dàng để từ bỏ những lề lối đã in hằn trong nếp cảm, nếp nghĩ. Bởi vậy, dõi theo hành trình phê bình của Inrasara và chỉ ra những thành tựu của ông cũng là một phương cách để người viết có dũng khí từ bỏ và vượt thoát chính mình.”