Chữ & Nghĩa 31. TRIẾT HỌC & VĂN CHƯƠNG

Chúng ta còn là trò chơi vô bổ của ngẫu nhiên

bị ném từ bàn tay này sang bàn tay kia

từ đám ruộng này sang đám ruộng kia

từ góc phố này sang góc phố khác

đến nỗi tứ thơ tầm phào nhất cũng xô nghiêng linh hồn chúng ta

(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

 

Câu chuyện

 

Nhà văn cần biết triết học. Biết triết học không phải để làm triết học, mà làm văn chương.

Việt Nam thiếu truyền thống triết học. Ta còn chưa sẵn sàng cho truyền thống đó. Triết học ta đang dạy trong nhà trường là thứ triết học ‘Theo-ism’”.

Bản thân tôi chỉ đọc triết nghiệp dư, rất nghiệp dư nữa là khác. Trước mở cửa không có sách đọc, còn sau đó có nhiều sách thì không còn thì giờ để đọc. Dẫu sao biết mình nghiệp dư cũng đỡ phần nào, trong đất nước chưa sẵn sàng cho truyền thống suy tư độc lập.

Người Nhật thì khác. Tôi nhớ mang máng, ngay cuối thế kỉ XIX, chính phủ Nhật đã chủ động gửi cả ngàn sinh viên qua Đức học triết. Một ngàn sinh viên Tây du để có được trăm tiến sĩ triết học là không khó, từ con số trăm này sinh ra mươi triết gia càng không dễ. Rồi trong mười này may lắm mới nảy nòi ra hai đại triết gia ảnh hưởng nhân loại.

Ta không có trăm, thậm chí không có mười thì làm sao có con số hai kia?

 

*

Ai trong chúng ta và thế hệ sau sẽ dầm mình vào dòng sông văn hóa dân tộc.

Ai trong chúng ta bắt được nhịp đập trái tim dân tộc, mạch chảy của đời sống dân tộc.

Ai trong chúng ta vượt qua mô đất phức cảm tự ti ­ tự tôn dân tộc, mặc cảm tỉnh lẻ, nhà quê hay sắc tộc.

Ai trong chúng ta quyết từ bỏ rỉ rên: khổ lắm, đời sống khó khăn lắm, hoàn cảnh lắm, bị đối xử phân biệt ghê lắm…

Ai trong chúng ta không sợ hãi thất bại, dám đọ sức với số đông xa lạ.

Dám từ chối các đặc ân, ưu ái, đãi ngộ ngoài nghệ thuật, từ chối dựa hơi vào mọi loại chức danh, chức vị. Để đừng phải ngủ quên trên đám mây hư vinh xôm xốp chưa cân xứng với thực tài. Để mình được là mình, tự do và tự tại mà sống mà sáng tạo.

Chịu khiêm cung ẩn mình trong một thời gian dài, hoài thai trong bóng tối vô danh. Để rụng vào đúng thời điểm chín tới của tài năng, ban tặng hoa trái cho đời. Tránh tình trạng đẻ non, chết yểu.

Ai trong chúng ta dũng cảm đóng lại quá khứ, dứt áo với đồng bằng quen thuộc để nhìn về trùng khơi xa lạ.

Ai trong chúng ta dám đánh liều đời mình cho nghệ thuật, cho những đỉnh núi cao vòi vọi của văn chương.

Kẻ đó sẽ là kẻ sáng tạo, là thiên tài sáng tạo.

(Văn hóa – xã hội Cham, nghiên cứu và đối thoại, 2002)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *