Chữ & Nghĩa 30. CHUẨN BỊ GÌ? – KHÔNG GÌ CẢ!

Hắn nghĩ sẽ bay cao, rất cao

Khi chế độ mở toang cửa rộng

– Hắn sẽ chẳng bao giờ lết tới đâu

Bởi đã không tự vũ trang đôi cánh.

            (Sinh nhật cây xương rồng, 1997)

 

Trích đoạn từ “Đoản thi thứ 2 dành cho con” viết năm 1982, năm Tuệ Nguyên sinh, in trong Sinh nhật cây xương rồng, 1997.

Ý tưởng ghi nhận qua quan sát bằng hữu, vài sinh linh mang mộng tưởng lớn, mà ở thực tế ngày thường: không làm gì cả! Chờ, và chờ. Cơ hội đến, nhìn nó vụt qua, và tiếp tục… chờ.

 

Hôm qua, đọc FB Tưởng Năng Tiến, nghe anh đùa [buồn] về nỗi [giả dụ] ngày mai chế độ CS sập, cánh dân chủ làm gì? Chả gì ráo trọi, từ trong nước đến tận hải ngoại. Thứ văn hóa mì ăn liền khiến dân Việt an tâm với một tương lai xán lạn dễ dãi đến mà chả chuẩn bị đồ nghề cần thiết để đón nó.

Đó là nói to. Phạm vi hẹp hơn, văn chương chả hạn, Đại học Việt Nam không [thèm] trang bị hệ mĩ học nghệ thuật mới, thế nên khi phong trào sáng tác hậu hiện đại ra đời vào đầu thế kỉ XXI, đám sinh viên [là độc giả tiềm năng] ngơ ngác hơn con nai vàng giữa rừng thu. Ở đó, người đọc ngó bọn làm thơ cứ như là loài từ hành tinh xa lạ lạc đến.

Thuở tiền chiến thì khác. Thơ Mới với những Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Huy Cận xuất hiện, chương trình Pháp – dẫu vô tình – đã cung cấp thế hệ độc giả sẵn sàng đón nhận nó. Thơ Mới không khó tạo nên “một thời đại trong văn chương”.

 

Nhìn sang xã hội Cham. “Giải phóng”, giáo dục truyền thống [Trường Pô-Klong & Gia huấn ca] đứt bóng, phụ huynh Cham phó mặc việc dạy dỗ con em cho nhà trường XHCN. Mà nền giáo dục ưu việt này thì miễn bàn, chả dạy cái gì ra hồn cả, nói chi chuẩn bị cho công dân dân tộc thiểu số đón vận hội mới.

Đất nước mở cửa, Cham hốt hoảng “hội nhập”. Hệ quả với hậu quả thế nào ai cũng biết rồi…

Vậy là hồn ai nấy giữ! Giữ thế nào thì đoạn thơ trên đã nói rõ theo đúng nghĩa đen: Giai đoạn ấy của lịch sử, hiếm người trong giới có học Cham biết CHUẨN BỊ! Nên cứ lơ ngơ.

 

Inrasara thế nào? Tạm ghi ra đây, biết đâu bạn trẻ hôm nay rút được cái bài học nào đó. Tuổi 20, bỏ ĐH, tôi đã chuẩn bị. Âm thầm…

– Kiến thức nền tảng: Cày thuê lấy tiền mua sách, cả đống sách. Đọc điên cuồng, dù đó là thời đoạn cả nước thi đua nhai khoai mì Ấn.

– Từ điển: Ở tuổi ấy, tôi đã soạn Từ điển Việt Cham, sau khi thu gom cả đống tài liệu cần thiết. Thế nên 15 năm sau khi ĐH mời, tôi có trong tay “đề cương” và bộn tài liệu tham khảo để nhập cuộc.

– Thơ, vào Sài Gòn, tôi thủ trong túi áo hơn trăm bài thơ cùng 3 trường ca; đó là chưa kể món văn xuôi.

– Nghiên cứu văn học Cham: Bản thảo bộ ba Văn học Cham khái luận văn tuyển cũng đã ở tư thế sẵn sàng ra mắt công chúng.

Rồi khi cơ hội đến ở giữa tuổi tam thập, tôi đã chơi tới bến. Và chơi dài dài…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *