Chữ & Nghĩa 18- NGÔI NHÀ NƠI THI SĨ CƯ NGỤ

Ngôn ngữ như là ngôi nhà cho thi sĩ cư ngụ. Thi sĩ có thể vô sở trú trong không gian và thời gian, sự vụ chả có gì nghiêm trọng cả. Nhưng hắn sẽ mãi mãi chịu định phận vô gia cư nếu hắn không cư ngụ trong lòng ngôn ngữ dân tộc, nếu hắn không có ngôn ngữ như là ngôn ngữ để cư ngụ.

(Hàng mã kí ức, 2011)

 

Dẫu thơ bị đóng cứng bởi đầu óc bảo thủ ngoan cố tới đâu, bị làm rách nát do kẻ nổi loạn phá phách cỡ nào; thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến những đâu chăng nữa, nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ.

Trong ngôi nhà đó, thơ mãi có mặt.

(Song thoại với cái mới, 2008)

 

Câu chuyện

Những đường cày trầm mặc cơn mưa

Nắng hát vào thớ đất

Anh nông dân vô ngôn ngồi rách buổi chiều.

 

Nhà cổ điển cho đó là thơ tối nghĩa, tắc tị. Người viết cố làm ra vẻ cao siêu, mà thật ra chẳng có gì sất. Chỉ đáng vứt đi.

Với nhà phê bình siêu thực thì đây mới là thơ ca đích thực. “Trầm mặc cơn mưa” là suy tư về lẽ trời đất. “Ngồi rách buổi chiều” là lối nhìn xuyên hiện thực, vượt qua hiện thực đời thường. “Rách” là chữ đinh trong cả đoạn thơ, làm xoay chuyển ý tưởng của cả đoạn thơ. Xoay chuyển về hướng khám phá chiều sâu hiện thực đầy sáng tạo.

Còn nhà hiện thực xã hội chủ nghĩa thì nhất định nhà thơ có ám chỉ. Viết “nắng hát vào thơ đất”, trong khi mọi người hồ hởi phấn khởi trước cuộc sống đang thay da đổi thịt hàng ngày, tại sao mỗi “anh nông dân” này vẫn “ngồi”. Anh ý đồ điều gì đây, mà ngồi đến “rách buổi chiều”, một buổi chiều quê hương đang rất đẹp. Cần phải đưa ra tập thể kiểm điểm, và định hướng lại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *