Tư duy mở-25. ĐẬP PHÁ, ĐỂ LÀM MỚI

Tôi vốn được dân chữ nghĩa biết đến với tư cách “nhà nghiên cứu”. Đúng logic hình thức, tôi phải yêu cái cũ, cái ổn định, dẫn đến đóng thùng đứng giảng đường làm kẻ mô phạm gõ đầu thiên hạ là nguy cơ khó tránh. Nhưng không. Ngay từ thiếu niên, tôi bị cuốn hút kì lạ bởi những sinh linh cá biệt, những tay chơi có xu hướng phá hủy.

Tôi dấn thân vào phê bình qua gợi hứng từ họ, và vì họ.

Thêm, vốn mang tinh thần tư tưởng Shiva: Phá hủy là sáng tạo, phê bình [của] tôi đi vào cõi phá hủy là không thể tránh.

Làm thế nào để triết lí với cây búa? – Nietszche hỏi, sau đó chàng tiếp [qua lời dịch Phạm Công Thiện]: Chính lời lẽ im lặng nhất mới mang tới bão tố.

Nữa, quá trình dài làm cụ non [biên soạn từ điển, nghiên cứu văn học] thêm thái độ điềm tĩnh [hay quá khích đã bị vượt bỏ], thế nên – khác Nietszche, tôi trì trì với cây búa bọc vải thổ cẩm của mình. Chính xác, đó là Phê bình Khoan cắt bê-tông.

Tôi khoan cắt…

vào thành trì định kiến thâm căn cố đế;

vào quan điểm lỗi thời núp váy nỗi lạc hậu của bộ phận độc giả bị bịt mắt thời gian dài;

vào vuốt ve xoa bóp vài thành tích bé con, với quyết tâm trụ lại để làm con ếch hàng đầu nơi ao làng;

vào cố thủ sau mấy lô-cốt “truyền thống”, “bản sắc” như thứ bình phong che đậy sự giả tạo, nông cạn, hời hợt với đầy ý đồ.

Hành trình từ Phê bình Lập biên bản đến Phê bình [mang tính] khai phóng là những trận “khoan cắt” trì trì đó…

Khoan cắt, chuẩn bị cho sáng tạo. Khoan cắt, để sáng tạo.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *