Tư duy mở-15. ‘LAI CĂNG’ LÀ SINH MỆNH CỦA VĂN HÓA

  1. Taj Mahal được xem là đỉnh cao kiến trúc Moghol. Nó từ đâu ra? Với những nhà bảo tồn “văn hóa Ấn Độ đích thực”, Yuval Noah Harari trong Sapiens Lược Sử Loài Người (Nguyễn Thủy Chung dịch, NXB Trí thức, 2017, tr. 259) đặt câu hỏi:

“Những người bất mãn với sự phá hủy nền văn hóa Ấn Độ trong thời kì cai trị của Anh, vô tình thần thánh hóa những di sản của Đế chế Mughal, và sự chinh phục của những vị vua Hồi giáo ở New Delhi. Và bất cứ ai cố gắng để cứu vãn “văn hóa Ấn Độ đích thực” khỏi ảnh hưởng nước ngoài của những đế quốc Hồi giáo này, đã thần thánh hóa những di sản của ba Đế chế trước đó: Gupta, Kushan và Maurya. Một người Hindu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể phá hủy tất cả những tòa nhà của kẻ chinh phục Anh để lại, thế còn những công trình sót lại từ sự chiếm đóng của những người Hồi giáo, chẳng hạn như Taj Mahal thì sao?”

Taj Mahal có là di sản “văn hóa Ấn Độ đích thực” hay sự sáng tạo ngoại lai của chủ nghĩa đế quốc Hồi giáo, khi đây là một tổng hợp 4 phong cách kiến trúc: Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, và Hồi giáo? Và người Ấn Độ hôm nay không hãnh diện về công trình vĩ đại này sao?

Ráo riết thế mới ra vấn đề.

  1. Trở lại với Cham.

Lai căng là bản chất của sáng tạo; bởi nếu cứ khư khư ôm “gốc”, Cham mãi ngồi lỳ một chỗ thôi. Đẩy thêm một bước, lai căng là sinh mệnh của văn hóa, vì chính lai căng mới làm cho văn hóa chuyển động, và có sức sống.

Tiếp thu kiến trúc Ấn Độ để dựng nên tháp Chàm, ông bà Cham có ở yên đâu, tiếp tục và tiếp tục… Thế mới ra 7 phong cách tháp Chàm. Học thêm từ ngoài (lai căng), rồi chế biến làm ra của ta. Khi tiếp nhận cái mới, cái khác, đâu thể thiếu món cãi nhau. Vậy mà tất cả chúng cứ là bản sắc Cham. Và ta ưỡn ngực về chúng.

  1. Bản thân Inrasara, học theo ông bà, cũng đâu ở yên. Xét riêng thể loại thơ: Inrasara của ariya với lục bát ò e ru em, chính là “nguyên gốc” của thơ tôi (tôi viết tiếng Cham & Việt cùng lúc). Nếu tôi cứ ôm “gốc” kia, nếu tôi cứ “đích thực” thì Inrasara chết lâu rồi còn gì. Để sống, tôi bắt đầu mất gốc và lai căng.

– Giai đoạn 1: Tháp Nắng, Hành Hương Em: thủ pháp tiền hiện đại

– Giai đoạn 2: Lễ Tẩy Trần Tháng Tư: hiện đại và một phần hậu hiện đại.

– Giai đoạn 3: Ở Nơi Ấy [Thơ Thời Cuộc]: thủ pháp hậu hiện đại toàn phần.

– Giai đoạn 4: Sầu Ca Trên Đồi Cát Nam Kương, tôi giải thoát tất cả!

Và Inrasara vẫn là Inrasara!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *