Tư duy mở 12. GIẢI THOÁT SỢ… ĐẢNG 

(Giải thoát sợ hãi [2])

Đảng thì ghê rồi, lớ vớ nó trị thì toi. Thế nên, sợ Đảng chả có gì đáng trách cả, có khi lại hay. Phiền nỗi, cái chả có gì đáng sợ cũng sợ.

Đảng viên sợ đã đành, không đảng viên cũng học biết sợ. Đương chức sợ đã đành, hưu hay thôi chức cũng sợ. Phong phú với đa dạng sợ, để tránh lẫn lộn mỗi đứa rất cần có tên khai sanh riêng. Bổn phận của nhà phê bình là tìm tên cho chúng.

Như vụ Ghur Darak Neh, ngay khi nó vừa phát sinh cuối thế kỉ XX, tôi nói với ông bạn học cũ đương chức cao, rằng bạn làm đi, mình hỗ trợ. Được, Đảng và nhân zân mang ơn, ghế bạn được đôn lên là cái chắc. Vậy mà cứ sợ, đó là SỢ NGU.

Tôi chạy qua một ông khác, học vị với trí thức đáo để, cũng Đảng viên. Kẹt nỗi, vị này sống theo nguyên lí gì không lợi cho mình thì không làm. Nói với làm chả ăn bạc ăn vàng đâu, mà chắc gì đã được lòng Đảng – ấy là SỢ KHÔN.

Vậy là đổ [đồ] thừa qua sinh linh ngoại biên: “Sara ở ngoài dễ ăn nói hơn” – là câu tôi thường xuyên nhặt dọc đường. Ôi khôn quá xá là khôn. Thế là nhà thơ [cùng với đĩ và ăn mày, là 1 trong 3] loài sinh linh được cho là nhạy cảm với phận người nhất, ra mặt. Phước Nhơn có hai nhà thơ. Một mở miệng, một câm. Câm, tên khai sanh đích thị là SỢ HÈN.

(Bữa ni, vụ Trường THCS Mai Thúc Loan cũng hệt).

Tôi nhà thơ, hèn chả thua chị kém anh, nghe hơi Đảng cũng sợ. Rồi sợ quá hóa liều, nên “cũng liều nhắm mắt đưa chân”…

Sau vụ Ghur Darak Neh, Hội thảo chủ đề “Nhà báo với Biển đảo” do Trung ương tổ chức tại hội trường Ks Phong Lan – Ninh Chữ. Tổng biên tập báo Dân tộc & Phát triển mời tôi lên thớt đầu tiên, với lời giới thiệu to con:

– Inrasara chẳng những là nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình, mà còn là nhà báo lớn [viết tiếng Việt không dấu là: nha bao lon]. Anh từng viết cho rất nhiều báo quốc tế…

Bị đẩy lên mây, hứng quá, thế là tôi nổ. Ngay câu đầu tiên, tôi nói:

– Mặc dù không là Đảng viên, nhưng tiếng nói của tôi phần nào cũng giúp Đảng. Tại sao dám kêu thế? Đất nghĩa trang Cham Bà-ni bị lấn chiếm, lấn tàn bạo đến mức nào đó và đến ngày nào đó, bà con không chịu nổi sẽ phản ứng. Điều gì sẽ xảy ra? Đổ máu là nguy cơ nhỡn tiền; sau đó là mất “đại đoàn kết” Cham Việt; còn xử lí sự cố hao tốn bội phần…

Nhà văn là người thấy trước, sợ trước, và nói trước. NÓI TRƯỚC, thành tâm, bình tĩnh và quyết liệt, để cuối rốt sự thể được ôn thỏa, không hay sao…

Chả phải giúp đỡ Đảng là gì?!

Kết. Mà Đảng có gõ Sara đâu nào, sao quý ông bà cứ sợ [ngu, khôn, hèn…]?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *