Tư duy mở 7&8: MỞ, ĐỂ HỌC

[Chuyện tập thể: 3 kĩ thuật siêu đẳng của Cham mà Việt không chịu học]

Con người có xu hướng đóng, co cụm, khép kín, ghì lấy, nắm chặt, ôm giữ… Trong khi chỉ có bàn tay và tâm trí mở mới khả năng nhận về và cho đi. Một dân tộc cũng hệt. Ở đây, bên cạnh đóng do bảo thủ, đóng còn có nguyên nhân sâu xa hơn: Kì thị như một cách giữ căn cước, bản sắc.

Xưa Cham không học Tàu. Ông bà Cham đã từ chối cách học theo trường quy mà Trung Quốc hai lần qua giúp: Tổ chức thi cử, qua đó tìm người tài ra giúp nước (Maspéro: 1928). Kế đến là kĩ thuật in ấn, điều kiện cần thiết cho phát triển, vậy mà Cham không chịu học, để mãi cuối thế kỉ XX vẫn còn cắm đầu chép tay.

Còn Việt [trong khi chiếm, và sau đó nuốt chửng Champa] cũng không chịu học ở Cham, cho 3 kĩ thuật siêu đẳng của dân tộc này thất truyền.

  1. Kĩ thuật xây tháp đứng ở đầu bảng, để hôm nay các nhà khoa học cứ đặt hết giả thuyết này đến giả thuyết khác, mãi chưa xong.

 

  1. Đóng tàu, vua Quang Trung có học, nhưng khi ấy kĩ thuật hàng hải Cham đã ở buổi xế chiều (Nguyễn Duy Chính, “Vai trò của cướp biển trong cuộc chiến chống quân Thanh của vua Quang Trung”, Reds.vn, 13-1-2015).

 

  1. Oan uổng nhất là kĩ thuật dệt. Lướt qua đoạn này:

“Many Chams, after losing their country to Nguyen Vietnam, also became wanderers through the Water Frontier. The famous Thai silk industry, for instance, owed its existence to Cham weavers who migrated from Cochinchina and Cambodia between the reigns of Rama I and Rama III. Assigned to produce silk for the court, the resulting “Thai silk” gained worldwide fame”: Bộ phận người Cham, sau khi đất nước rơi vào tay nhà Nguyễn, đã lưu lạc qua các biên giới nước. Chẳng hạn ngành công nghiệp tơ lụa Thái nổi tiếng, đã mang nợ các thợ dệt Cham di cư từ Đông Dương và Campuchia ở giữa triều đại Rama I và Rama III (1782-1851). Được hưởng quyền sản xuất phục vụ triều đình, “lụa Thái” đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới (Li Tana, 2004, Water Frontier, Rowman & Littlefield Publisers, Inc., Singapore, p. 8).

Kĩ thuật dệt lẽ ra là của mình, do tâm thế đóng, nó phải lưu lạc để trở thành CỦA người Thái!

[Chuyện cá nhân]

Việt Nam hay nhắc đến thần đồng thơ, việc đúng sai ta không bàn ở đây, chỉ lưu ý diễn biến tiếp theo sau đó: Không thấy thần đồng này sáng tạo lớn ở đâu thêm nữa. Nguyên cớ nào không biết được.

Quan niệm về thần đồng ở ta khác bên Tây xa lắm. Thần đồng âm nhạc Mozart, hay thần đồng thơ ca Rimbaud chẳng hạn. Thần đồng là tuổi nhỏ sáng tác cho cả thế giới [người lớn, chớ không riêng cho tuổi nhỏ], sản phẩm ấy độc sáng và có giá trị vượt thời gian, cả về kĩ thuật lẫn tư tưởng – ảnh hưởng đến toàn nhân loại.

Thần đồng là thiên tài phát tiết sớm. Thiên tài mà không ý thức, không mở, và biếng trui luyện còn chết ngứ, huống hồ thần đồng.

Cộng đồng Cham cũng có nảy nòi vài “thần đồng” văn chương. Tôi có viết đâu đó, rằng về văn chương chữ nghĩa thế hệ tôi, Cham được Bà Trời ban cho 3 mạng, tôi là sinh linh xếp hạng cuối. Không khiêm tốn, và chẳng phải đùa đâu, chứng cứ rành rành tôi có đưa ra trong tác phẩm in từ mươi năm trước.

Rồi 30 năm sau, hai “thần đồng” đã tiêu tán đường đâu chả biết. Một thì ăn nói kiểu suy diễn theo chủ nghĩa hổng chân, còn một nữa đáng bàn hơn, là:

– Không [biết] tự đào tạo để có kiến thức chuyên biệt về văn học, từ đó thiếu nền tảng.

– Tự thỏa mãn với “thiên tài” của mình, nên không luyện thêm kĩ năng; cùn là điều khó tránh.

– Nhìn hẹp [tâm lí ao làng]: ta trội hơn mấy sinh linh quanh ta là đủ.

– Nhất là, suy nghĩ ngắn hạn, nhỏ vụn. Như vụ thiên tài này đã nộp tiền để BBT bá vơ chọn thơ mình vào tuyển, là một.

Tài năng cũng cần nỗ lực luyện kĩ năng mới mong trường sức, còn nếu ta cứ ăn mòn vào củ khoai năng khiếu, chết là cái chắc. Có khi đã chết từ khuya rồi mà cứ tưởng mình đang sáng tạo ghê lắm.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *