THẾ NÀO LÀ BẠN?

Thế nào là một người bạn? Mãi hôm nay tôi vẫn chưa hiểu hàm nghĩa của chữ này. Một hôm, Út tôi kêu dường như cei ít bạn, hay có thể không có bạn. Con không biết thực sự con người có cần bạn không? Phần con cũng gần như thế: không cần bạn.
Câu hỏi khó có đáp án! Thử kể chuyện.

Ở palei tôi có nhiều “bạn” trong Nhóm Bạn Chakleng. Thử xét 2 người.
Phú Văn Lệ, anh họ hơn tôi 1 tuổi. Chơi với nhau từ thời xà lỏn, học chung lớp, đá banh, câu cá, ăn ngủ, tập hút thuốc, nghĩa là đủ thứ trò trẻ con các thứ. Nhớ, hồi lớp Ba, tôi với Lệ hai đứa chấp ba đứa cùng lớp đá banh. Chuyện con trẻ vậy mà cả khối người lớn đến xem hai tôi biểu diễn với trái bóng, đến tối mịt mới nghỉ. Đá banh, Lệ là thiên tài, tôi làm anh hùng hỗ trợ. Hai đứa thắng đậm, mới tài. Qua tuổi đôi mươi, tôi vào Đại học, Lệ ở quê hành nghề thợ gặt, sau đó làm cầu thủ Huyện, hai đứa xa nhau. Sau đó vẫn thân, vẫn thương nhưng gặp nhau chả có gì để tâm sự.
Quảng Đại Thính cũng hệt: Anh họ, chơi thân; đá banh hay chọc gái, vệ sinh hay làm phong trào làng. Khác điều, lập gia đình anh vẫn trụ lại quê, vẫn cùng tôi lo cho Chakleng. Nghĩa là vẫn có chuyện để nói, để bàn.
Vậy Lệ và Thính có phải là bạn không? Ai “bạn” thân hơn?

Lên Trung học, tôi, Dao Luu Van và Chế Đạt từ 3 làng khác nhau, về tụ, chơi rất thân. Hơn thế, tôi với Đạt còn như cặp tình nhân không rời nhau nửa bước. Lên Đại học, cả ba vẫn còn là “bạn”. Nhưng rồi vào đời, mỗi đứa mỗi ngả.
Ở Sài Gòn, nhà Đạt với nhà tôi cách không bao xa, vậy mà có khi phải 4-5 năm mới gặp nhau một lần. Không nhu cầu gặp, mới kì. Gặp, uống với nhau vài ve, hỏi thăm đôi ba câu vu vơ, và… hết. Với Đảo tôi còn giữ quan hệ do liên quan chuyện chữ nghĩa Cham. Đảo giúp tôi nhiều về khía cạnh này, hai đứa gặp nhau còn có chuyện để tán, để hàn huyên.

Vậy, thế nào là bạn?
Bạn do hoàn cảnh sống: Cùng máu mủ, chung lớp, cùng nghề nghiệp, hay lớn hơn: chung chí hướng.
Bạn nhậu, hết tiền hay có chuyện thì hết bạn. Cùng máu mủ, sẽ xa nhau dần khi ta khôn lớn; chung lớp, thường thì nhiều tình “bạn” chấm dứt sau khi ra trường; bạn cùng nghề kéo dài lâu hơn xíu, đến năm hưu chẳng hạn. Nghề đặc biệt hơn, văn chương chẳng hạn, có bạn khoái phần này thì không hạp mảnh kia, nên khó thành bạn tâm giao.
Chung chí hướng dễ thành bạn chí cốt hơn, ở đây dường tôi không có “bạn” trong Cham. Đam mê của tôi là sáng tạo và tư tưởng, nên tôi như con sói lạ cô độc giữa cộng đồng. Từ rất sớm…
Tuổi 20:
“Khi tôi chỉ còn bóng tối làm bạn đồng hành
Và con đường nằm trên bước chân…” (viết năm 1980, hơi nổ xíu, in trong Tháp Nắng 1996).
Tuổi 30:
“… người bạn bè mất lửa
Hôm nay còn mình ta
Ôm con đường đóng cửa…” (viết năm 1985, chưa in).

Tri kỉ giữa đời, là điều khó, và cũng khó bàn.
Riêng với kẻ tư tưởng, chỉ có con đường là bạn đồng hành không bội phản nhau, chắc thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *