Không nền tảng, kẻ kể chuyện thành hóng hớt, nói mò; còn thiếu nền, hắn như ma trơi đi hổng chân. Thử nhìn ở 3 khu vực:
– Chuyện lịch sử, hắn không nghe theo nói theo mà, soi sâu vào sự kiện được sử gia kể lại (hi[s]tory) với những ý kiến chủ quan mang tính áp đặt của họ.
Sự kiện Huyền Trân sắp lên giàn thiêu được Khắc Chung ra tay nghĩa hiệp cứu thoát chẳng hạn, cần nhìn gần, nhìn từ Chánh sử Đại Việt Sử kí Toàn thư nhìn ra, hắn mới khả năng giải ảo nó, từ đó trả chánh sử trở về huyền sử, huyền thoại.
[Như Phạm Hoàng Quân từ sử liệu Trung Quốc để thấy chủ quyền Biển Đông của Tàu chỉ là thứ ảo không hơn].
– Chuyện xã hội Cham hiện đại cũng vậy, rất nhiều sự kiện thoát khỏi ghi chép của sử gia [bởi nhà viết sử chỉ quan tâm những sự kiện trọng đại], còn kẻ kể chuyện không được quyền bỏ qua mấy vặt vãnh đó. Hắn ghi nhận chúng: Câu chuyện, hồ sơ gia đình, từ nhiều góc cạnh qua nhiều chiều nhìn – để thấy thân phận của muôn sinh linh chịu đựng lịch sử cùng bao hệ lụy của nó.
Bởi lịch sử nhân loại không chỉ là sự kiện trung tâm diễn ra ở thượng tầng, mà gồm thâu cả những gì ở ngoại vi thuộc về con người.
– Câu chuyện văn hóa cũng hệt.
Tôi đã bàn một lần rồi: Biểu tượng AUMKAR Cham, là ví dụ. Tránh hổng chân, kẻ kể chuyện cần đứng trên 3 chân kiềng: Cội nguồn ảnh hưởng, hình tượng biểu hiện cụ thể và cách Cham hôm nay hiểu, giải thích nó.
Đứng trên ba chân kiềng kia, hắn kể câu chuyện, theo thể cách và qua giọng điệu riêng không lẫn với ai của mình.