Cham cần gì hôm nay?-2. VẤN ĐỀ HALAU JANƯNG CHAM

[Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL.V: LUẬN]
Po Acar Lamviec
[Photo Inrajaya]
Cham muốn giàu thì phải khởi từ Halau janưng – một vị Imưm nhận định như thế, một phát ngôn rất đáng suy gẫm. Vậy Halau janưng Cham là ai?
Thực tế hiện nay Cham có 4 hệ, tôi gọi là 4 Cột trụ tôn giáo tín ngưỡng Cham.

I. Halau janưng Cham là ai?
1. KADHAR, PAJAU VÀ CAMƯNEI & GRU ADAM – Tiền tôn giáo
Thuộc hệ tín ngưỡng đầu tiên ở cộng đồng Cham, thời tiền tôn giáo.
Ông Kadhar là nghệ nhân kéo đàn Kanhi và hát các danak khi Cả sư Cham Ahiêr làm lễ mở cửa tháp, lễ Nhập Kut, Êw Pô Bhum, và lễ liên quan đến đất các loại. Phục vụ cho Ông Kadhar có Mūk Pajau, thế nên Cham có câu tục ngữ:
Mưtai Kadhar dōk Pajau: Chết (mất) ông Kadhar còn bà Pajau.
Camưnei là ông Từ giữ đền Tháp.
Rồi còn có Gru Adam (hay Gru Urāng, Gru Kalöng) mà dân gian gọi là thầy cúng, chuyên về các tục trừ tà ma, phục vụ đám chôn [Cham Ahiêr], và có thể thay Ông Kadhar hành lễ cúng các thần nông nghiệp.
Dẫu sao người Cham cũng rất linh hoạt [và khá tùy tiện] trong việc phân cấp các chức sắc phục vụ nhiều loại lễ tục khác nhau.

2. HALAU JANƯNG AHIÊR – Cham Bà-la-môn
Các đẳng cấp xã hội ở Cham cũng giống Ấn Độ, được phân làm 4 đẳng cấp: Brahmane, Kshatriya, Vaisya, Shudra. Vikrantavarman I khuyến cáo rằng không có “tội nào nặng hơn là giết một Bà-la-môn; Indravarman II thì chỉ chọn những người Brahmanes và Kshatriyas làm quan thượng thư để “giữ sự phân biệt đẳng cấp sao cho đích thực là linh hoạt và nguyên vẹn” (G. Maspéro, Le Royaume du Champa, 1928, p. 18).
Mặc dù chế độ phân chia tập cấp Bà-la-môn trong tổ chức xã Cham đã mờ nhạt, nhưng tầng lớp giáo sĩ rất được trọng vọng. Tên gọi chung của tầng lớp này là Paxêh (bangxa Paxêh), ở đó Pô Adhya là bậc cao nhất, người trụ trì một khu tháp.
Cấp Paxêh phụ trách các lễ nghi thuộc Cham Ahiêr.

3. HALAU JANƯNG AWAL – Cham Bà-ni
Là các cấp Acār xuất hiện từ thời Pô Rômê vào thế kỉ XVII, khi Cham đã hóa giải Islam thành Bà-ni. Cấp cao nhất là Pô Gru, trụ trì Thāng Mưgīk của palei.
Cấp Acār phụ trách các lễ nghi thuộc Cham Awal. Vị Acār có vai trò rất lớn và tiếng nói quan trọng [thuộc lĩnh vực tôn giáo] trong dòng họ.

4. HALAU JANƯNG AHIÊR-AWAL: MƯDÔN & MŪK RIJA – Hệ giữa
Ngoài hai hệ Ahiêr và Awal, Cham còn có hệ Ahiêr-Awal là Ông Mưdôn và Mūk Rija phụng sự cho cả hai bộ phận “tín đồ”, được gọi là Halau janưng Ahiêr-Awal.
Halau janưng này chủ trì các loại lễ Rija trong các palei Cham cả Ahiêr lẫn Awal. Người đạt đến Mưdôn gru phải là một nghệ sĩ toàn năng. Ông có nghệ sĩ múa, hát và sáng tạo Damnưi (tụng ca), vừa có thể chơi đủ loại nhạc cụ Cham.
Đi cùng với Mưdôn luôn có Mūk Rija vừa lo chỉ đạo sắp xếp các lễ vật cùng tế, vừa là vũ nữ thuần thục múa phục vụ lễ. Cạnh đó, nhất là các lễ Rija mang tính cộng đồng luôn có Ka-ing là nghệ sĩ múa roi và múa đạp lửa.

II. Halau janưng qua thăng trầm lịch sử

Cham muốn giàu thì phải khởi từ Halau janưng. Không phải không nguyên do, khi một vị Imưm đưa ra nhận định ấy. Ở đầu sóng ngọn gió lịch sử, Halau janưng Cham đã phải kinh qua mấy thăng trầm, bởi chính họ chứ không phải giới nào khác – sau tập cấp Kshatriya – phải chịu đựng sự khủng bố và đàn áp.

Các triều đại thay nhau lên xuống, 4 Cột trụ tôn giáo tín ngưỡng Cham vẫn giữ cho Cham đứng vững trước những trận bão [động] lịch sử. Do đó, thế lực chính trị nào bất kì nuôi ý đồ trù giập, khủng bố hay đồng hóa dân tộc Cham thì Halau janưng luôn là đối tượng “ưu tiên”.
Ở giai đoạn lịch sử cận và hiện đại, hai lần họ bị đòn đau nhất, thê thảm nhất và mang nguy cơ rã tan cao nhất. Halau janưng – có thời gian tê liệt, rồi lạc hâu… nhưng bao giờ họ cũng vươn dậy trở lại, ĐỂ CHO CHAM VẪN CÒN ĐƯỢC LÀ CHAM.
Chính thấu hiểu nguyên do sâu xa ấy, tôi không bao giờ lên tiếng phê phán vị Halau janưng nào bất kì, dù họ có “tệ” đến đâu. Không, tuyệt đối không.
Bởi vấn đề của Halau janưng Cham hôm nay là hậu quả và hệ quả lịch sử chung của dân tộc.

Hai thời kì kinh hoàng nhất:
1. “Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần, Minh Mệnh xua quân xâm chiếm Champa và trừng phạt vô cùng dã man giai cấp lãnh đạo Champa vì tội phục tùng Lê Văn Duyệt để rồi xóa hẳn vương quốc này trên bản đồ Đông Dương.” (Po Dharma, 2006).
Không dừng lại ở đó, với mục đích đồng hóa Cham, qua đó triệt tiêu hoàn toàn tinh thần văn hóa Cham, Halau janưng vẫn là đối tượng đầu tiên Minh Mạng nhắm đến.
Hậu quả ra sao ai cũng biết rồi.

2. Mới nhất, thời Đệ nhất Cộng hòa – Chế độ Ngô Đình Diệm đã buộc Halau janưng Cham Ahiêr cởi áo trắng làm thường dân, cấp Acār bị buộc để tóc như nông dân, rồi bao nhiêu lễ tục bị cấm đoán.
Dù sự biến diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng hậu quả để lại là khôn lường: Giới tinh hoa (tinh hoa thì luôn rất ít, ở Cham càng hiếm nữa) thuộc hàng giáo phẩm phải “ẩn thân”, người có học – khôn ngoan hơn – không dám “đung akok” làm Halau janưng; còn các lễ nghi sau trận khủng bố chỉ được phục hồi cầm chừng, chưa kể không ít lễ bị lai tạp, biến tướng.

Ý thức thẳm sâu sự thể ấy, ai – kẻ trí thức hôm nay còn có thể lên tiếng oán trách hay phê phán Halau janưng Cham nữa không?
Hiểu, càng yêu hơn. Từ đó suy tư, và lên đường tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal.

III. Halau janưng đang ở đâu?

Cham muốn giàu thì phải khởi từ Halau janưng. Tại sao? Xin dài dòng xíu…

1. Sứ mệnh của trí thức là dám/ biết nhìn thẳng vào hiện thực vấn đề; thấy rõ cạnh khía vấn đề; và – dù đau lòng tới đâu, vẫn phô bày hiện thực kia trước cộng đồng.
Ở cộng đồng Cham hôm nay, Halau janưng Giới chức sắc tôn giáo là một trong vài vấn đề cộm. Bởi sinh hoạt Cham xoay quanh tôn giáo tín ngưỡng – không thể thoát. Xã hội Cham phát triển hay trì trệ đều xuất phát từ đó.
Halau janưng Cham đang ở đâu?

2. Qua ý kiến các trí thức Cham quen biết lẫn quan sát riêng của mình, cả từ nhận định của vài vị Halau janưng thân tín, tạm nêu vài điểm nhấn:
– Halau janưng Cham, bên Ahiêr thì được chọn từ dòng dõi, nên phạm vi chọn lựa người kế tục rất hẹp; bên Awal dù rộng rãi hơn, nhưng cả hai đều vấp phải trở ngại thứ hai, là:
– Các vị Halau janưng thường ít học. Gia đình có vài con trai, trong khi người được học hành có xu hướng chọn vào các cơ quan Nhà nước hay mở công ty riêng, người lép nhất mới đung akok làm Halau janưng.
– Được cái, tín đồ cả Cham Ahiêr lẫn Awal đều tuân thủ tuyệt đối Halau janưng. Đây là điểm lợi hai. Nếu biết vận dụng, cộng đồng được nhờ, còn không – xã hội sẽ bị trì níu thành: Chết đuối níu nhau chết chùm Ia bblung dung gaup.
Hiện thực xã hội Cham hôm nay đang diễn biến theo chiều hướng thứ hai.

3. Từ đó…
– Trí thức [lẫn bà con] oán trách Halau janưng, nghĩa là oán trách chính người dẫn đạo tâm linh mình. Có quá nhiều bất cập ở đó. Trách, xem thường mà vẫn NGHE THEO. Nghe theo không phải do nể trọng, mà vì SỢ.
(Theo tôi, không thể và không nên trách chư vị, bởi nguyên do lịch sử như đã phân tích ở bài 4).
– Hoặc phản ứng quá khích: Muốn Cham vứt Đạo Ahiêr-Awal đi, theo tôn giáo nào đó tiến bộ hơn. Thực tế, đã có không ít sinh linh làm như thế: Bỏ Awal theo Islam, bỏ Ahiêr theo Tin lành…

Nhưng có thể hô lên là tất tần tật lạc hậu của Ahiêr Awal Cham nhất loạt tiêu biến không? Rồi Cham nhất tề tin nghe một tôn giáo duy nhất nào không?
Hay sự thể chỉ có thể đẩy xã hội Cham rơi vào vòng phân rã và chia xé mới?

IV. Halau janưng, làm gì?

Ngày xưa…
Không ít tuổi trẻ Cham [trong đó có tôi] ước mơ nhập vào hàng Halau janưng, với ý hưởng tốt đẹp: Cải thiện xã hội. Rồi khi lớn lên, giáp mặt với thực tế, ước mộng kia dần phai mờ rồi tan biến lúc nào không hay.

1. Có mấy nguyên do:
– CỰC. Xem cấp Paxêh chịu đựng mấy ngày Đam that (Đám tang tươi) cũng đủ ngán. Chứng kiến mấy nỗi kia mà không ngại, không thương [hại] họ, mới lạ.
– NGHÈO. Ruộng lệ không đủ ăn, đại đa số Halau janưng ngày xưa đã phải xách cuốc ra đồng, qua đó đẳng cấp giữa Halau janưng và Gahêh bị xóa nhòa. Xóa nhòa không do chủ động, mà bị hoàn cảnh đẩy đưa, buộc phải thế.
– Và nhất là bị người đời XEM THƯỜNG. Dưới con mắt cộng đồng, một vị Halau janưng không được coi trọng như bác sĩ, kĩ sư, nói chi phó Quận hay cán bộ cấp Tỉnh.

2. Nhưng tất cả chúng đã thuộc quá vãng rồi; hôm nay Cham đã khác.
– Hết CỰC. Cham Ahiêr đã làm “Đám khô” vài chục năm qua; nữa: Vài nghi lễ được cải tiến linh hoạt theo hướng gọn nhẹ hơn.
– Cắt NGHÈO. Hiện nay, dù Halau janưng vài palei vẫn phải làm việc như thường dân chân lấm tay bùn, còn lại đa số đã có tiêu chuẩn, đủ sống, có vị còn khấm khá nữa.
– Thôi XEM THƯỜNG. Nếu Halau janưng có năng lực thật, sống đàng hoàng, họ được cả cộng đồng tôn trọng, nể vì. Halau janưng Ahiêr có nhiều thời gian để học tập kinh sách; còn cấp Acār, tháng Ramưwān và các kì Xug Yơng là dịp thuận tiện cho trao đổi tri thức, kinh nghiệm. Tài + Đức thì ai còn dám xem thường?
– Nhất là, họ được cả dòng họ TIN NGHE, như cấp Acār; hay như bên Cham Ahiêr – cả khu vực tuân phục. Khi ta có tri thức căn bản, nếu ta có tâm thành, tiếng nói của ta ảnh hưởng lớn đến dòng tộc, cộng đồng.
Từ đó, ta góp phần cải tạo xã hội.

Thế nên, xin lặp lại phát ngôn của vị Imưm trên: Khởi từ Halau janưng, cộng đồng Cham chẳng những cắt đuôi gánh nặng mê tín, lạc hậu, mà còn khả tính giúp xã hội làm giàu, và phát triển.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *