[Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL.V: Dọn đường cho XAKARAI LUẬN]
Điểm qua các mảnh vá sử liệu [“Chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng”]:
1. Các cột mốc lịch sử cần nhớ [theo Maspéro]
192-: Khu Liên làm vua Lâm Ấp
350: Phạm Phật (Bhadravarman) nối ngôi cha [là Phạm Văn người Tàu] lập đền Mĩ Sơn.
400: Phạm Đăng Cân Thăng người Phù Nam làm vua Lâm Ấp.
530: Rudravarman, người thuộc phái Bà-la-môn làm vua.
653: Vikrântavarman xây dựng nhiều tháp ở Mĩ Sơn và Trà Kiệu.
Từ triều đại Panduranga…
749: Rudravarman. Tên nước Lâm Ấp được thay bằng Hoàn Vương.
784: Quân Yava phá hủy đền Pô Inư Nưgar tại Nha Trang, sau đó đền được xây dựng lại.
787: Quân Yava phá hủy đền phía tây kinh thành Virapura ở Phan Rang.
Từ nay các vị vua trị vì tại Pangdurangga.
802-817: Harivarman xây tháp Pô Inư Nưgar tại Nha Trang.
… đến triều đại Indrapura
875: Khai sáng triều đại Indrapura.
945-946: Chiến tranh với Khmer.
990: Harivarman II, người Vijaya lên ngôi, xậy dựng lại Mĩ Sơn.
1000: Yang Pu Ku Vijaya Cri chuyển đô về Vijaya.
Và…
1050: Jaya Paramecvaravarman I, xây Linga ở Pô Klong Girai.
1080: Pangduragga đòi tự trị.
1145: Dân chúng Pangduranga bảo vệ tân vương là Rudravarman IV.
1166-1167: Chiến tranh với Khmer.
1190: Xung đột nội bộ: Champa bị phân làm hai.
1192: Vidyanandana Suryavarmadeva đánh đuổi Khmer, thống nhất Champa.
Từ năm 1307: Sau triều đại Vijaya là suy tàn…
1360-1390: Uy danh Chế Bồng Nga.
1471: Lê Thánh Tông chiếm Đồ Bàn.
2. Về Bia Võ Cạnh ở Nha Trang.
Về tên “vua” Sri Mara trên bia Võ Cạnh (Tháp Bà Nha Trang – 192), cả hai giả thiết: Một của Maspero cho đó là Khu Liên, quốc vương đầu tiên của nước Lâm Ấp; và hai, khi Coedes đồng nhất Sri Mara với Fan Shiman một vị vua của Phù Nam đều bị các nghiên cứu về sau bác bỏ. Các sử gia chứng minh đầy thuyết phục rằng, chủ nhân của bia Võ Cạnh là người bản địa… “thuộc một vương quốc Ấn hóa độc lập sau đó đã nhập vào một chính thể liên hiệp tập hợp nhiều tiểu quốc mà ta gọi là Champa để trở thành tiểu quốc gọi là Kauthara” (Đổng Thành Danh tổng hợp, “Nhìn lại những diễn ngôn về Bia ký Võ Cạnh”.)
3. Bài viết đáng chú ý của Po Dharma [2013], “Ðặt lại vấn đề về biên niên sử Champa”.
“Champa không phải là một quốc gia tập quyền, thống nhất, mà là một vương quốc liên bang (fédération) và đôi lúc cũng là một liên hiệp quốc gia (confédération). Liên bang Champa tập trung 5 tiểu vương quốc trong đó có Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Ðứng đầu của quốc gia liên bang Champa là quốc vương mang tôn hiệu Rajadiraja (tức là vua của vua). Thủ đô liên bang lúc ban đầu đặt tại Indrapura (Quảng Nam) sau đó dời về Vijaya (Bình định) kể từ năm 1000.
Nằm ở cực nam của lãnh thổ liên bang Champa, Panduranga là một tiểu vương quốc có một thể chế hành chánh, chính trị và quân sự riêng biệt. Sự hình thành tiểu vương quốc này đã có từ lâu đời.”
4. Nhìn nhận của Maspéro (Le Royaume du Champa)
Đất nước được phân thành các châu, tỉnh; và mỗi châu tỉnh có các quan lại tương ứng. Đất nước có vài châu lớn, ba hay bốn châu trong thời kì lịch sử khác nhau. Amaravati ở phía Bắc với kinh đô đầu tiên là Indrapura, Vijaya là kinh đô từ năm 1000; Panduranga ở phía Nam với Virapura [xưa gọi là Rajapura] đã có một thời gian là kinh đô Champa, đặc biệt là ở thời Satyavarman. Châu này lớn nhất trong ba hạt, gồm cả Kauthara, phần đất này được tách rời ra. Các châu đó lại chia ra thành tỉnh…
5. Tham khảo thêm:
Sự hiện hữu của các vương quốc miền nam khiến ta suy tưởng rằng chính thể của Chàm không phải được thống nhất bởi một vị vua duy nhất… Chàm được nghĩ đúng nhất không phải như một thể chế chính trị thống nhất mà như một tập hợp các lãnh địa nhỏ hơn cùng chia sẻ các truyền thống văn hóa và ngôn ngữ. Tác giả Taylor (1992, 153) mô tả Chàm như “một không gian chính trị văn hóa quần đảo về mặt địa lý”. Mỗi thung lũng của con sông có thể xác định lãnh vực chính trị của một vị vua hay thủ lĩnh khác biệt, với thủ đô nằm ở cửa khẩu của con sông và các làng xã dàn trải ngược lên dòng sông. Sự kiểm soát của vị vua dọc bờ biển đối với các làng xã này trong vùng nội địa có thể tùy vào khả năng của vị vua để thành lập các liên minh.
(Dougald J.W. O ‘Reilly, “Văn minh Chàm trên đất Việt, qua lăng kính khảo cổ học”, Ngô Bắc dịch, Gio-o.com, 2007).
Có thể rút ra kết luận gì?
– Champa là một đất nước gồm các châu lớn, trong đó 3 châu đóng vai trò quan trọng là: Amaravati ở phía Bắc, Vijaya ở giữa và Pangdurangga ở phía Nam.
– Champa không có gì tương cận tổ chức “liên bang” kiểu Hoa Kì hay Malaysia hiện nay, mà như… Champa. Ở đó có chính quyền Trung ương, kinh đô dời chuyển từ Indrapura sang Virapura và Vijaya ở các thời kì lịch sử khác nhau, xung quanh là chính quyền các châu phục tùng.
– Riêng Pangdurangga là “châu” cá biệt, như PD cho biết, tiểu quốc này:
+ được hình thành từ lâu đời;
+ có một thể chế hành chánh, chính trị và quân sự riêng biệt.
Mạnh, và khác biệt nên Pangdurangga nhiều thời điểm lịch sử tồn tại song hành và luôn xung khắc với chính quyền trung ương [văn bia Cột đá tháp Pô Klōng Girai], có khi còn giúp giải phóng chính quyền trung ương khỏi ách nô lệ ngoại bang [văn bia Patau Tablah], thậm chí có giai đoạn được công nhận là đất nước độc lập hẳn hoi.
Qua phân tích, có thể kết luận rằng, Champa thành lập năm 192 sau Công Nguyên, với cơ cấu tổ chức chính quyền đặc thù: Vương quốc Champa và Tiểu quốc Champa-Panduranga, hai trong Một, tuy hai mà Một – không thể tách rời.
Coda.
Ngày 28-10-2017, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Gốm cổ Bình Định – Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long-Đại Việt (thế kỷ 11-15)”.
“Vương quốc Vijaya” – người ta cứ thích kêu to thế đó!
Đại Việt mấy bận dời đô, có ai kêu Vương quốc Thăng Long, hay Vương quốc Huế đâu!
Champa dời đô từ Indrapura về Virapura rồi Vijaya, và… là do hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi, chứ đâu phải mỗi “vương quốc” có kinh đô riêng.]