Đặt nền cho Xakarai Agama Ahiêr-Awal. 03: RIJA NƯGAR, LỄ XỨ SỞ – Lễ & Đặt vấn đề hôm nay

Từ hôm nay trở đi, tôi sẽ đăng loạt bài “Đặt nền cho LUẬN của Đạo Ahiêr-Awal”. Bài này xin được đăng trước để phục vụ kịp thời cho Rija Nưgar đang tới gần. Để bà con và các bạn FB dễ nắm bắt, tôi cố gắng trình bày rõ và ngắn nhất có thể. Karun!
*
[1] Tên gọi
Rija Nưgar, là lễ của xứ sở (Rija: lễ, Nưgar: xứ sở).

[2] Nguồn gốc
Có ý kiến cho rằng Rija Nưgar xuất hiện vào thời Pô Rômê, thời Champa có quan hệ khăng khít với thế giới Mã Lai, vì lễ có nhiều điểm tương đồng với các lễ Rija Harei, Rija Prong với cùng một vỏ bọc tên gọi.
Chính xác: Rija Nưgar mang yếu tố bản địa, có mặt với CHAM JAT Cham gốc, trước khi Bà-la-môn và Islam vào Champa; sau đó Cham Ahiêr, rồi Cham Awal tiếp nhận và thâu thái để làm thành của chung cho cả cộng đồng Cham(*).

[3] Địa điểm
Tại một vị trí công cộng trong làng. Kajāng (rạp hai mái) được dựng bằng dụng cụ sắm sẵn: gỗ, tre, tranh, cà tăng…, mặt mở hướng Đông.

[4] Thời gian
Lễ được thực hiện vào 2 ngày đầu năm Cham lịch, qua 2 dấu hiệu:
Sấm đầu năm Cham gọi là Bilān than uh than ôn, pacah yawa grum; và
Akok bilan Tha hala amil thrôh: Đầu tháng Giêng lá me trổ.
Và phải là thứ Năm và thứ Sáu của tuần đầu tháng Giêng.
Tamư di Jip, tabiak di Xug: Vào ngày thứ Năm, ra ngày thứ Sáu, – theo tục ngữ.

[5] Lễ vật
Vài cặp gà, vài mâm bánh trái vào ngày đầu; ngày sau mới cúng dê.
Tamư mưnuk, tabiak pabe: Vào gà, ra dê, – theo tục ngữ.

[6] Cấp độ [so sánh với Rija khác]
Rija Nưgar là lễ toàn Cham, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng. Thế nên, Rija Nưgar là lễ lớn nhất.
Rija Nưgar mang tính cộng đồng dân tộc, còn các Rija khác chỉ ở tầm gia đình hay tộc họ.
Rija Nưgar được tổ chức định kì, còn các lễ khác thì chỉ làm có tính đột xuất khi gia đình hay tộc họ có chuyện hứa (bbôn) với Yāng, và làm lễ để “trả nợ” Yāng.

[7] Ý nghĩa
– Ngợi ca công đức của các Pô, Cei, Nai (vua, anh hùng, liệt nữ được thần hóa) có công với đất nước, dân tộc.
– Ý nghĩa lớn nhất và quan trọng nhất: Tống khứ khỏi palei mọi xấu xa nhơ nhớp của năm cũ để đón nhận cái tốt đẹp vào.

[8] Diễn biến của Lễ
Nhân vật trung tâm của cuộc lễ là Ông Ka-ing, một vũ sư nhảy múa.
Ở cộng đồng Cham Ahiêr chỉ có 1 Kajāng, riêng cộng đồng bên Cham Awal dựng thêm Kajāng ở phía Nam dành cho cấp Acār để tẩy uế đất (mưrôi và padhi tanưh). Thời gian này, chức sắc hai bên không qua lại với nhau.
Chiều thứ Năm, khi Acār tụng kinh tẩy uế xong, bên Kajāng chính mới hành lễ.
Sáng thứ Sáu, bên Acār làm lễ sớm rồi mang lễ vật ra bến nước tống tiễn (hlak bala ba palao Pakal). Lễ vật gồm: 7 miếng trầu têm (kapu hala), nến (tapang diên), kamāng (bỏng), chuối, patil ia (chén nước) và pangin apui (chén lửa).
Kajāng bên Awal được giở đi. Giàn trống kèn đánh tiễn đưa.
Tiếp đến, Ông Ka-ing cũng ra đi (palao tiễn) Kalih, tức hình người được nặn bằng bột gạo(**). Sau đó bà con Nao Yāng lên đền cúng. Ví dụ ở Pabblāp Birau cúng Pô Klong Kasat, ở Chakleng: Pô Riyāk. Xong lễ mới về giở Kajāng còn lại.

[9] Thần Yang
Tamư Pô birau, tabiak Pô klak: Vào Thần mới, ra Thần cũ.
Sao lạ thế? Thần mới là thần có nguồn gốc Awal được cúng đầu tiên; sau đó mới cúng tới thần cũ là thần [trước đây thuộc] bên Cham Ahiêr: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Rômê…

[10] Damnưi Bài tụng ca
Khác với Rija Harei, ở đó bài tụng ca đều có sẵn. Ở Rija Nưgar, Ông Mưdôn chỉ hát các bài kia tùy hứng theo điệu múa của Ka-ing. Mỗi lần Ông Ka-ing đứng lên múa là Ông Mưdôn hát, ông Ka-ing ngồi thì Mưdôn ngưng.
Theo các Mưdôn Gru, Damnưi tụng ca gốc Rija Nưgar chỉ còn được giữ ở 2 palei Ia Li-u, Ia Binguk – là palei thuộc cộng đồng Cham Banưn, Cham tiền tôn giáo. Đây là điểm rất đáng chú ý.

KẾT
Tôn giáo Ahiêr-Awal là một thực thể không thể tách rời.
Từ 10 yếu tố trên, có thể kết: Rija Nưgar là lễ của cả cộng đồng Cham, thời điểm bất di bất dịch, không thể đổi.

VẤN ĐỀ HÔM NAY
Năm ngoái có hiện tượng, để tránh Tháng Sakan bên Cham Awal, chức sắc Awal quyết định DỜI thời điểm hành lễ Rija Nưgar qua tháng khác. [Sakban, tháng 8 lịch Ả Rập kiêng (kayam) làm lễ lớn như: Đam mới, Yang Tanưh…].
Câu hỏi đặt ra:
Rija Nưgar PHẢI tránh Tháng Sakban, hay Tháng Sakban tránh Rija Nưgar?
Từ xưa [36 năm lặp lại một lần](***) có ai thấy cộng đồng Cham cả Ahiêr lẫn Awal bỏ lễ Rija Nưgar vào tháng Giêng Cham lịch không? – Không!
Sau Rija Nưgar, cộng đồng Cham Ahiêr mới mời Acār vào làng cúng. Vậy đầu năm bên Awal chưa hành lễ Rija Nưgar, các vị Acār đi vào các palei Cham Ahiêr, có mâu thuẫn không?
Có câu hỏi này bởi năm 2017 đã xảy ra hiện tượng: Palei Katuh làm Rija Nưgar vào tháng 12, còn bà con palei Cang làm đúng tháng Giêng, nghĩa là không theo tinh thần phiên họp của Hội đồng. Thế các palei khác có dư luận bà con không thuận, thì sao?
Và năm nay nữa, thế nào? THAY ĐỔI truyền thống, có nên không? Chú ý: Đây chỉ là các câu hỏi…

_____

(*) Theo Sakaya, có SỰ CẠNH TRANH ĐỂ TỒN TẠI giữa ba hệ thống tôn giáo tín ngưỡng Cham: bản địa, Ahiêr và Awal trong Rija Nưgar! Rồi cuối cùng cả 3 “chúng” ngồi với nhau! Ngày đầu tiên: Ông Ka-ing và Ông Mưdôn thực hiện lễ; trang trí kajāng (rạp lễ) với lamlir và mưrông gần giống như không gian Thāng Mưgīk Cham Awal; Yang Prong Thần Lớn là Pô Aulwah; lễ vật cúng là kaya yôr (món chay) đặt trên thông hala (cỗ bồng trầu). Ngày thứ hai: Ông Kadhar và Bà Pajau thực hiện lễ; Yang Prong Thần Lớn là Pô Inư Nưgar; lễ vật cúng là kaya klam (món mặn) đặt trên xalao takai (mâm cao cẳng).
Rija Nưgar là tín ngưỡng bản địa mang tính lễ nghi nông nghiệp là hẳn rồi. Cứ xem vai trò Ông Kadhar và Muk Pajau cùng vài nghi thức chủ yếu ở đây cũng đủ biết. Cham Ahiêr thấy hay, đã chen chân vào; sau đó Cham Awal cũng can thiệp để cho mình được có mặt.
Dẫu sao Rija Nưgar vẫn cứ là Rija Nưgar của Cham, hỗn dung cả ba hệ thống tôn giáo tín ngưỡng lại trong một lễ. Không khoái sao? Hiện nay ở palei Bal Riya còn giữ một nghi thức ban sơ của nó, là Tamia Klai klug (Múa Phồn thực) nữa.
(**) Về từ KALIH, đầu tiên cụ Thiên Sanh Cảnh viết là XALIH (salih = đổi, thay thế) do cụ dịch từ tiếng Việt “hình nhân thế mạng”, từ đó vài người bắt chước theo. Thực tế, “hình người được nặn bằng bột gạo” này không mang ý nghĩa trên, nó không thế mạng cho ai cả! Và nó là KALIH, đúng như phát âm của Cham.
(***) Theo Katip Từ Tấn, chu kì này là 32 năm, chứ không phải 36 năm. Ghi nhận ở đây để bạn đọc tham khảo. Karun Katip!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *