Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL-1: Giáo chủ PÔ RÔMÊ.5 – Phụ lục. CÁC HOÀNG HẬU CỦA PÔ RÔMÊ ĐANG Ở ĐÂU?

[bài viết năm 1997]

Pô Rômê (1627-1651) là vị vua nổi tiếng cuối cùng của vương quốc Champa cổ. Tên tuổi Ngài gắn liền với cụm tháp Pô Rômê toạ lạc ở palei Thôn cách thị xã Phan Rang 15km hướng Tây Nam, với công trình đập Mưrên dẫn thuỷ nhập điền phục vụ cho cả ngàn mẫu ruộng thuộc huyện Ninh Phước – Ninh Thuận ngày nay, với truyền thuyết về cây Krek mà công nữ Ngọc Khoa Bia Ut là nhân vật trung tâm.
Tương truyền rằng, Pô Rômê xuất thân từ một gia đình Cham Bà-la-môn thấp kém, nhờ tài năng xuất chúng, được vua Mưh Taha (Cham Bà-ni) gả con cho rồi sau đó thay cha vợ lên ngôi vua.
Do hoàng hậu vợ chánh thất Bia Than Cih hiếm muộn, Pô Rômê lấy thêm vợ thứ hai người Êđê là Bia Than Can. Tài thao lược của Ngài cũng đã gây khó khăn không ít cho Chúa Nguyễn. Muốn mở mang bờ cõi về phương Nam, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã dùng kế mỹ nhân bằng cách gả con là công nữ Ngọc Khoa mới đánh bại Ngài.
Sự mù mờ giữa sự thật và huyền thoại xung quanh các nhân vật thuộc triều đại Pô Rômê chưa được các sử gia làm sáng tỏ. Chỉ biết rằng, sau khi Ngài mất đi, Bia Than Cih không chịu lên giàn hoả chết theo chồng, nên sau này tượng của bà được mang ra ngoài; Bia Than Can, trung thành hơn, được đặt trang trọng trong tháp chính, ngay phía bên phải tượng chồng; riêng Bia Ut bị đẩy đi xa hơn – ra tận ngoài đồng trống, cách đồi tháp 2km hướng Tây Nam.
Theo hoạ sĩ Đàng Năng Thọ, 3 bức tượng này có chung phong cách, cùng kích thước (cao 70cm, rộng 50cm) mà chỉ khác nhau ở một số họa tiết trang trí. Nên có thể tượng Bia Ut chỉ là bản nháp bị nghệ sĩ loại ra, dân gian dựa vào huyền sử mà thêu dệt.
Cùng với ngôi tháp chính tương đối còn nguyên vẹn, đây là các di tích còn lại trong sương mù của huyền sử từ non bốn thế kỉ qua. Dù sao, người Cham và cả người Raglai luôn trân trọng chúng, họ xem cụm tháp là một trong ba địa điểm linh thiêng để thờ phụng và cúng tế, trong các ngày lễ tôn giáo – tín ngưỡng trang nghiêm của cư dân trong khu vực.

Tuy nhiên, dòng đời đã không trôi êm ả, phẳng lặng chút nào.
Trước tiên là cửa chính ngôi tháp bằng đá bị đập vỡ từ đầu thập niên 1950 và được thay bằng cửa gỗ. Cùng thời gian đó, tượng Shiva ở chính diện không cánh mà bay. Đau hơn nữa là sự cố 1978: vương miện Ngài với hơn 2,7kg vàng ròng bị đánh cắp bởi hai tên đại gian ngay tại ngôi miếu nằm trong làng Hậu Sanh.
Không dừng ở đó, ngày 20-7-1991, tượng Bia Than Cih bị bọn xấu đập vỡ ngang phần dưới chở đi. Ba hôm sau bức tượng được tìm thấy và mang gắn trở lại để rồi mất hẳn vào ngày 11-3-1993. Còn tượng Bia Than Can bên trong tháp thì bị kẻ trộm cạy cửa cắp đi ngay đêm Katê một năm sau đó (6-10-1994).
Riêng tượng Bia Ut, năm1986, ông Trần Văn Tấn nguyên Trưởng Phòng Văn hoá – thông tin huyện Ninh Phước mang về cất giữ cẩn thận ở nhà riêng. Sau đó tượng được trân trọng trả về cho Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận bảo quản. May mắn thay!
Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm, Pô Rômê đã phải chịu cảnh đơn chiếc trong kalan: vương miện không còn, ba bà vợ bị mất, cả châu thân Ngài cũng bị đục sứt mũi, mẻ trán (kẻ gian thử xem có phải chất liệu quý). Và hôm nay, Ngài chỉ còn an ủi với các bản vẽ ba hoàng hậu mà Đàng Năng Thọ đã kịp thời phác hoạ được thuở “sinh thời” của quý bà.
Dù năm 1992, Tháp đã được trùng tu, và từ năm 1995 Sở Văn hoá – Thông tin Tỉnh có cất người trông nom, nhưng từ đó Ngài cô đơn. Và biết đâu, cả Ngài nữa – nếu không được quan tâm đúng mức, e rồi sẽ theo chân người “quá cố” đi biệt.
Điều không phải là không đáng nói: Con đường từ Quốc lộ số 1 lên Hồ Tân Giang đi ngang qua địa phận có cụm tháp tọa lạc đã được nâng cấp, nay mai còn có thể tráng nhựa; sao chỉ một cái bảng chỉ dẫn khiêm tốn cũng không có. Dù Tuổi Trẻ đã một lần nhắc nhở mà mãi tận hôm nay, du khách muốn lên thăm Ngài đã nhiều lần chạy đôn đáo hỏi thăm dân xe ôm chỉ đường. Pô Rômê càng cô đơn hơn – có lẽ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *