1. Ở buổi thuyết trình tại “Không gian Văn hóa Cham” – Hà Nội, 2010, khi tôi đề cập đến sự độc nhất vô nhị của Đạo Bà-ni Cham, một nhà nghiên cứu người Nhật ý kiến rằng, ở Ấn vẫn tồn tại một thứ tôn giáo như thế. Nghĩa là ngoài Đấng Aulwah, họ vẫn còn thờ phụng nhiều vị thần Ấn giáo khác, và sinh hoạt cũng khá tùy tiện hệt… Cham Pangdurangga.
Tôi nói, đúng, nhưng không đủ. Bởi để hình thành Awal Cham, sinh linh Cham phải kinh qua 2 giai đoạn đau thương:
– Binh đao: non 3 thế kỉ xung đột đẫm máu [phần 2]
– Sau đó Pô Rômê hóa giải Islam thành Bà-ni, hòa giải Bà-ni với Cham Bà-la-môn để hình thành Đạo Ahiêr-Awal.
Và rồi họ phải trả giá bằng chính sinh phận của mình: VONG QUỐC.
2. Trong một phản hồi, bạn FB Dao Tuan Anh cho rằng Đạo “Ahiêr-Awal cũng tựa tựa như cái tam giáo đồng nguyên của dân Việt”.
So sánh như thế không sai, nhưng nó chỉ từa tựa ở phần ngọn, bề sâu thì rất khác.
Đức Phật, Khổng Khâu và Lão Tử được xem là nhà tư tưởng với những khác biệt lớn, tuy nhiên khác biệt đó vẫn có thể gặp nhau ở một đỉnh; riêng về mặt đức tin tôn giáo, cả ba rất ít có đối kháng, nếu không muốn nói là – không.
Ấn giáo và Islam hoàn toàn khác.
Tháng 8-1947, xung đột tôn giáo đẫm máu và kéo dài đã dẫn đến Pakistan tách ra khỏi Ấn Độ để trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan. Khoảng nửa triệu người bị giết trong những cuộc tàn sát mang tính chất báo thù, và có 14 triệu người Hindu, Sikh, và Muslim phải di chuyển khỏi nơi sinh sống, sự kiện trở thành cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Cùng lí do tương tự, năm 1971, Bangladesh tách khỏi Pakistan.
3. Ở Cham càng khác nữa. Hãy điểm qua 3 tác phẩm lớn trong kho tàng văn học cổ điển Cham.
AKAYÊT UM MƯRUP
Hoàng tử Um Mưrup vừa tiếp nhận ánh sáng Islam, đã mang quân về cố quốc chống lại quân đội triều đình vua cha. Chàng chém giết lính vua cha không chút nương tay:
Nhu tak bol gah amư yau ra jah
Darah đôic daup rong atheh mưtai yau ra pabbūk
Chàng chém quân phía vua cha chết như rạ
Máu chảy ngập lưng ngựa, thây chất thành đống
Rồi là phá nát thành quách, đền đài: “mưthuh tayah mưdhir gilang”, “jalơh kalan takaprah”, và cười ngạo nghễ trên chiến tích ấy.
ARIYA BINI CAM
Công chúa La Mecca đi vào Champa truyền giáo Islam khiến Champa phân hóa trầm trọng: Sự tan rã của vương quốc hùng mạnh này là không thể tránh:
Limün kanai dang tha gah
Atheh kau tha gah, ia tanưh līn tapīn
Jagug ba bol pabblong kalīn
Voi em đứng một bên, ngựa anh về một ngả
Đất nước ngập chìm trong tối tăm
Thừa cơ giặc mang quân xâm lăng…
ARIYA CAM BINI
Dù chỉ là xung đột đời thường nhưng cấp độ gay gắt không hề kém, để cuối cùng là cái chết bi đát của cặp tình nhân Cham Bini trên giàn lửa đám thiêu.
PANÔIC PAĐIT
Trong Văn học dân gian, không khí u ám đó cũng không thiếu. Tục ngữ:
Cham thong Bini karei ia
Cham [Bà-la-môn[ với [Cham] Bà-ni khác nước.
Ca dao [mang tính mỉa mai]:
Cam coh ajah coh klao
Ajah đôic nau, Cam cabak tada
Cam coh ajah coh klơi
Lingīk laic lơi, rabbah lô di klōng.
Chăm đào dông, miệng cười khì
Dông chạy đi, Chăm đấm ngực
Chăm lại đào trong căm tức
Ơi trời đất, khổ lắm thân con.
Tam giáo Phật-Khổng-Lão “đồng nguyên” ở Việt Nam không phải qua trải nghiệm đau thương đó. Thì đủ biết CÔNG TRÌNH HÓA GIẢI & HÒA GIẢI của Pô Rômê vĩ đại như thế nào!
+
Comment
Quang Can
Trong tư liệu phỏng vấn người địa phương từ năm 1974, năm 1986 đến năm 2000 và gần đây, cho ba lần đăng bài này. Họ đều cho rằng Pô Mưbơk hay Muuk Mưbơk, chứ không phải Pô Nưgar Mưbơk hay Pô Nưgar Hamu Mưbơk. Tộc trưởng và ông tamnei hiện nay của giòng tộc Mưbơk cũng xác nhận đây là mẹ Pô Rômê và sẽ hầu chuyện mikva sớm khi có dịp.
Người cho rằng bà là dân làng Mưbơk, người nói bà là mẹ của vua Ppô Rômê, người gốc làng Rinhjoh (Ninh Hà, thuộc xã Phan Hiệp, Bắc Bình) Phan Rí tên là Mưwa. Một hôm do ăn phải đọt lim xanh trong rừng nên có chửa. Do qui định của là Bani khắc nghiệt trong chuyện này, nên bà bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà. Trên đường tìm nơi nương tựa, bà đến ở và sinh hạ Ja Kathaut (tên Ppo Rome khi nhỏ) tại chòi ruộng của một người bạn của bà tại làng Tường Loan (có Danook Pô Yang Thook tại đây). Khi cha mẹ của người bạn ấy biết câu chuyện của bà họ không cho bà tá túc nũa, nên với con đỏ trên tay, bà lần bước đến làng Hamu Biruw (thôn Lạc Trị huyện Tuy Phong) rồi đến trú ngụ, sinh sống tại làng Palei Mưbơk, và palei Pabhan. Plei Mưbơk ở ven bờ Đập Marên, là vùng đất phù sa màu mỡ với rất nhiều vườn rẫy tốt tươi, dân làng hiếu khách đã chấp nhận và cưu mang mẹ con bà.
Bà là người nhân đức, nuôi dạy con thành người hiền tài. Bà có công lớn đối với địa phương, làm việc từ thiện, lấy việc giúp bà con làm ăn sinh sống đoàn kết hòa thuận giữa Chăm và Bàni làm trọng, đặc biệt là giữa cư dân của 4 làng lân cận trong vùng là: Nha Phân (Palei Pabhan), Chà Vin (Palei Chaping), Ma Vớ hay Quí Chánh (Palei Mưbơk) và Palei Hamu Kalauk.” Kết luận từ bài viết của cei, người khác làm sáng tỏ thêm vấn đề. Kamuơn nên đưa ra dẫn chứng và lập luận. Dẫn chứng và lập luận sẽ giúp chúng ta tiếp cận sự thật. Trách nhiệm trả lời không phải riêng cei, mà cả kamuơn và mọi người, thì những cái nào? và nào ? của kamuơn từ từ sẽ sáng tỏ dần.