Adei baic xap Cam – em học tiếng Cham. Phụ lục 4. DI TRONG TIẾNG CHAM

Nghe lời bài dân ca được hát ri rả trên Đài hay băng dĩa:
“Tal bbūk… tal bbūk poh rong, mai hu… mai hu ka urāng”: Đến khi tóc vỗ vai, về được cho người…
không ít người hiểu biết về tiếng Cham tỏ rõ sự khó chịu. – Bởi nó quá trật!
“Poh rong” chả có nghĩa gì cả, vì sai… ngữ pháp. Phải là “poh di rong”.
Bởi giới từ “di” trong tiếng Cham có vai trò của nó chớ có đùa. Vài ví dụ:
Ông bà ta nói:
Nit gaup: thương nhau, nhưng phải là
Khap di gaup: yêu nhau.
Không ai nói:
Nhu thau khap kamei pajơ
mà phải là:
Nhu thau khap di kamei pajơ: Hắn biết yêu con gái rồi.

Ariya Glang Anak viết:
Dang di pur khing bbang…: Đứng ở hướng Đông nhiều lần…
Cũng như “poh di rong”, nếu bỏ từ “di” đi, người ta vẫn có thể hiểu câu văn trên.
Đó là “di” không ảnh hưởng tới nghĩa. Bên cạnh vô số “di” khác, sự có mặt hay không có mặt “di” sẽ dẫn câu văn biến nghĩa thành khác đi.
Apan tangin: nắm tay (đồng đẳng)
Apan di tangin: nắm lấy tay (một bên chủ động, một bên thụ động).
Panôic Pađit Cham (Ca dao):
Apan di tangin chai dui”: Nắm tay cối xay kéo…

Lối hát, nói và viết tiếng mẹ đẻ của thế hệ trẻ hôm nay ưa sai, là vậy.
Giải quyết tình trạng này thế nào? Buộc các bạn viết, nói đúng ngữ pháp như ông bà chăng? Tôi đã khệnh khạng làm cụ non thử mấy lần “dạy” họ: “Các bạn hát bài dân ca trên phải có DI, DI, DI mới đúng”. Nhưng chả tới đâu cả. Thế nào rồi họ cứ “bbūk poh rong…”.
Cánh trẻ cứ tà tà vậy hỏi chớ tiếng Cham rồi đi về đâu?
Nhà ngôn ngữ học Việt Nam danh tiếng là Cao Xuân Hạo đã nghìn bận đấm ngực bứt tóc tay kêu trời là hơn phân nửa tiếng Việt được nói hay đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng đều sai… ngữ pháp Việt. Tiếng Việt được dạy từ tấm bé cho chí sau Đại học, được truyền thụ qua bao nhiêu phương tiện mà còn thế, huống chi Cham!
Mà thế hệ hôm nay nghe đài, đọc báo với xem tivi chớ có ai ngó ngàng tới mấy cuốn sách dày cộp của ông… Cao Xuân Hạo đâu.
Chịu!
Bà con hay các bạn có phương cách nào hay không, chỉ Sara với nhé!

Phụ lục 4.BIS.

Vấn đề này được đặt ra xuất phát từ hiện tượng lược BỎ vài giới từ trong nói/ viết tiếng Cham thời gian gần đây. Phân tích một để thấy hai, ba…

1. Như “À” trong tiếng Pháp, “DI” là giới từ kết hợp với nhiều từ rất thú vị. Nhóm từ đi với giới từ DI, để:
– Chỉ nơi chốn qua 3 khía cạnh: nơi ở, nơi đi, nơi đến.
Đih di apui: Nằm lửa (sanh)
Tabiak di thāng: Từ nhà ra đi
– Thời gian:
Nao di tuk klau: Đi lúc 3 giờ
Di harei xa-ai mai: Vào ngày anh đến
– Do ép buộc
Đôic di kalin: Chạy [do] giặc
– Quan hệ nhân quả:
Mưtai di ia: Chết [bởi] nước (chết đuối)
Và nhiều kết hợp khác, như: về sự bắt đầu, tiếp tục, ý định, mục đích…
[Moussay đã phân tích với nhiều dẫn chứng trong cuốn Ngữ Pháp Tiếng Chăm của ông, dù hơi bị thiếu – hiện tôi đang được nhờ đọc biên tập lại cuốn đó].

2. Cụ thể ở đây, xin nhắc lại, DI có vai trò nhất định để xác minh ngữ nghĩa. Xin lấy 2 ví dụ cộm nhất.
– DI xen vào 2 từ làm cho nó khác nghĩa:
Ngak gaup: Làm họ hàng [với nhau]
Ngap di gaup: Hành hạ nhau
Ta nói:
Mư-in di gaup: Chơi nhau, mà không nói: Mư-in gaup, vì không có nghĩa.
– DI chỉ được dùng do thói quen ngôn ngữ, mà không nhiệm vụ khu biệt nghĩa:
Dua urāng nhu NIT gaup: Hai đứa nó yêu nhau
Dua urāng nhu KHAP DI gaup: Hai đứa nó yêu nhau

3. Cũng vậy, Cham nói:
Bbūk poh DI rong, chứ không nói: Bbūk poh rong, vì vô nghĩa. Xin lưu ý, ở đây tôi nói “vô nghĩa” và “sai” là theo tiêu chí ngữ pháp Cham truyền thống.
Năm 1993 tôi có nhờ anh Sử Văn Ngọc qua các palei Cham thu băng dân ca, mà phải là người có tuổi, nhất là họ không thuộc Đoàn Bán chuyên. Hầu hết cô bác – trong đó có chị Thắm ở Văn Lâm – đều hát:
“Tal bbūk… tal bbūk poh DI rong, mai hu… mai hu ka urāng”: Đến khi tóc vỗ vai, về được cho người…
Năm 1998, tôi mời 10-12 nghệ sĩ dân gian về Chakleng [có thầy Quạ, ông Đồn, ông Hán Phải…) một tuần làm âm nhạc dân gian, mọi người đều hát như thế (có DI). Còn “poh rong” không có DI có lẽ chỉ xuất hiện cùng với Đoàn Văn nghệ, sau đó lối hát này tác động trở lại cộng đồng. Riết rồi ngay cả tôi bây giờ nghe NÓ cũng thấy “hay hay”!

Kết. Theo quan sát của tôi, thế hệ trẻ hiện đại nói/ viết có xu hướng bỏ giới từ, có lẽ do Cham đọc lướt nhanh thành quen. Như bạn Jabaol Campa là người theo tôi rất nhạy bén với ngôn ngữ, cũng vấp phải. Bạn còm chữ:
Đôic kalin thiếu DI, là ví dụ. Người Việt nói: Chạy giặc, còn Cham phải là Đôic DI kalin, mới chuẩn.
Hôm nay, và ngày mai nếu ngữ pháp Cham phát triển theo hướng lược bỏ giới từ như trên, ta cũng phải biết chấp nhận, dù hương đồng gió nội bản sắc Cham có ít nhiều bay đi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *