[hay GIẢI ẢO VUI chuyện Cham/ Việt, ngoại/ nội…]
1. Cham cứ tưởng mình rành văn hóa Cham hay mọi mọi thứ về Cham hơn… Việt. Có vậy đâu! Chả đâu xa, Sara tôi chẳng hạn, về kiến trúc với điêu khắc Champa, tôi học ở Trần Kỳ Phương nhiều, rất nhiều. Các món khác nữa, học từ Tây, Mỹ…
2. Việt cũng chả khác là bao, cứ ảo tưởng tiếng Việt mình thì phải ngon hơn mọi mọi dân tộc thiểu số khác. Có thế mô!
Hôm 20-1 vừa qua, chuyện qua lại vui, một anh chàng/ chị nàng còm chê tôi viết tiếng Việt không nên thân, nghĩa là lôi thôi và dở ẹc. Tôi có đưa lời bỡn cợt chút đỉnh, tưởng bở, lại làm tới. Đến khi tôi a hèm nghiêm giọng hỏi 2 câu, thì lủi mất. Anh chàng không biết Cham thế hệ tôi song ngữ từ thuở bập bẹ.
Chuyện kể. Hứa Phăng giỏi văn đến nỗi từ Pô-Klong trường Cham phải qua Duy Tân học ban C, ở đó giáo sư văn nức tiếng là thầy Phụng tuyên: “Nó viết tùy bút còn hay hơn học sinh Việt ở trường này”. Tôi sinh linh Cham duy nhất ở lớp văn Nguyễn Trãi toàn Việt, là 1@2 đứa đậu vào Đại học TPHCM khoa Văn năm đó, viết tiếng Việt chả ngon là gì!
3. Một nhà văn trước sống Đông Âu, XHCN tan rã, về nước, kêu: “Trong khi các nhà văn trong nước còn chưa biết đến cách tân thơ, chúng tôi đã bàn về nó từ mấy năm trước rồi”. Tôi mới hỏi: “Anh có dám lên diễn đàn tranh luận với tôi về vụ này không”, thế là… chuồn êm. Anh không hay rằng gì gì ngoài kia ra hôm trước hôm sau Sài Gòn có rồi!
Năm 2012, một nhà thơ ngoại còn ảo ghê nữa. Anh này hô rằng nhà văn trong nước làm gì hiểu hậu hiện đại, bởi có sách đâu mà đọc! Ảnh quên vụ Bùi Giáng từng đùa: Các nhà phê bình Pháp cứ nghĩ họ hiểu Camus hơn… Bàng Giúi! Vậy đó, đâu phải bạn ở ngoài là bạn hiểu món ngoại đó hơn chúng tôi ở trong, nếu nó không thuộc vùng quan tâm của bạn. Nữa, làm như nhà văn Việt Nam kém sinh ngữ ráo trọi; hoặc giả họ nghèo đến không tiền mua sách, hay như thể sách ngoài đó không vào được Việt Nam. Tếu thế chớ!