NGƯỜI CHAM VẪN CÓ THỂ LÀM GIÀU 09

9. Buôn bán & 4 nguyên tắc-02. Dám nghĩ mới & dám làm kẻ đầu tiên

Thổ cẩm Cham Inrahani luôn đi trước thiên hạ vài bước.
Thử ngoảnh lại:
1. Khi dân Chakleng còn phiêu các nơi bán hàng thô, Cở sở Thổ cẩm Inrahani ra đời đầu năm 1992 và tổ chức chế tác hàng thô thành nhiều kiểu loại hợp thị hiếu khách hàng.
2. Bán ở đâu? Cửa hàng thổ cẩm Cham đầu tiên xuất hiện cuối năm 1993 ở Thương xá TAX trả lời câu hỏi đó.
3. Không dừng lại, từ năm 1996, hàng loạt Đại lí thổ cẩm Inrahani có mặt đồng thời ở các thành phố lớn.
4. Để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ, Cty TNHH Thổ cẩm Cham Inrahani được thành lập. Nó là đầu tiên. Huy hiệu “Bàn Tay Vàng” đầu tiên cho bà chủ, và 4 Huy chương vàng đầu tiên dành cho sản phẩm của Cty, là hệ quả tất yếu.
5. Hoa văn thổ cẩm Cham phong phú nhưng đã thất lạc nhiều. Inrahani đã phải cậy đến bạn bè Pháp photocopy màu từ Bảo tàng bên kia đại dương gửi về, để nghiên cứu. Thổ cẩm vừa là nét đẹp văn hóa truyền thống đồng thời là mặt hàng kinh doanh, cho nên muốn có cái mới để níu khách ở lại, vấn đề cải tiến kĩ thuật cần được đặt ra: Inrahani lần đầu tiên chuyển hoa văn từ khung dệt Jih Dalah sang khung dệt Aban; đây gần như là cuộc cách mạng kĩ thuật, dù ít ai nhận ra [bà Hani làm nhưng không nhận ra tầm quan trọng của nó].
6. Sau đó chúng tôi nâng cấp khung dệt thủ công thành khung bán công nghiệp, Cty Inrahani lần nữa đi đầu [1998] để hiện nay khung này đang thành đại trà trong palei; ở đó thổ cẩm Cham vẫn giữ nét đẹp truyền thống, nhưng sản xuất nhanh hơn và nhất là, chuẩn hơn. 7. Kết hợp làm Thời trang Thổ cẩm với Minh Hạnh, sau đó là những chuyến đi Tây Âu, Nhật, và… hơn 10 nước khác. Có thể nói, Thổ cẩm Cham đã có thương hiệu trên trường “quốc tế” qua những chuyến mang chuông đấm xứ người này.
Vân vân…

Những “đầu tiên” ấy góp phần đẩy nhanh sự lớn mạnh của Cty Inrahani, qua đó thúc đẩy Thổ cẩm Cham phát triển.
Chỉ từ năm 2002, thời điểm tôi từ bỏ kinh doanh, và nhất là khi bà xã đã quá tuổi hưu, Cty Inrahani chững lại. Tại sao? Đơn giản, không có gì mới thêm ở đó, và Inrahani không còn đi những bước “đầu tiên” nữa.
Kinh doanh cũng cần đến tưởng tượng và sáng tạo, là vậy.

Kinh nghiệm của tôi
Thành lập Cơ sở thổ cẩm Cham ở Chakleng đầu năm 1992, Hani và tôi đã cậy nhờ rất nhiều ở khoản tiêu thụ của Cửa hàng Mai tại TPHCM. Chúng tôi dệt vải thô, mang vào Sài Gòn cho họ chế tác và bán. Đến tháng 8-1992 tôi vào ĐH Tổng hợp làm việc, Hani vẫn ở quê tiếp tục điều hành cơ sở.
Suôn sẻ suốt hai năm như vậy…
Đến giữa năm 1993, Cửa hàng Mai đặt hàng lớn. Hani vẫn đáp ứng kịp thời cho họ, nhưng phiền nỗi, họ nhận chưa tới một nửa lượng hàng, còn lại bị loại bỏ do chất lượng kém. Kém – đúng quá! Bởi đây là hàng dệt tay, mỏng dày to nhỏ khó mà đều một mái. Một tám một mười là tốt quá rồi. Hani năn nỉ tới đâu nhân viên cửa hàng cũng chỉ cảm thông được 10%. Đống còn lại mang đi đâu? – Không đâu cả!
Mươi cây vàng vốn lúc đó với chúng tôi là cả gia sản, họ còn dọa Hani là sẽ về Chakleng tìm nhà cung ứng khác nữa, mới ớn! Nguy cơ sập tiệm sờ sờ trước mắt.
Thế là tôi vào cuộc. Tôi viết cho Mai bức thư 2 trang A4 với tư cách một trí thức, chứ không như người chịu thua thiệt. Thư phân tích về kĩ thuật thổ cẩm, còn bày họ sử dụng hàng “sai” quy cách để làm ra các món nhỏ nữa; cạnh đó, tôi phân tích tâm tính Cham để cảnh giác họ về lối làm ăn của bà con Cham nhà quê. Họ vẫn một hai không chịu.
Tôi quyết: mình bỏ Mai, và tự lập. Hani ngần ngừ.
Rốt cùng, chúng tôi tận dụng hàng thải kia để chế tác balô, áo gilê; miếng nhỏ hơn thì làm ra: ví, túi xách… Hani thuê góc nhỏ Thương xá TAX, bán lẻ. Từ đó chúng tôi thắng to. Cty TNHH Dệt may Thổ cẩm Inrahani khởi động từ chuyển hướng liều lĩnh mang tính quyết định đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *