Giải ảo 3-4

Giải ảo 3. THIÊN TÀI & TÀI NĂNG

Tài năng đã hiếm, thiên tài càng hiếm hơn nữa.
Quyền Anh, hai thập niên qua, giữa những tài năng lớn, mỗi Mike Tyson mới có thể gọi là thiên tài: nắm kỉ lục về tay đấm vô địch hạng nặng trẻ nhất, hạ KO nhanh nhất.
Quần vợt, Federer và Nadal thay nhau ngự trên đỉnh cao trong thời gian dài, mãi khi họ [có tuổi/ chấn thương] xuống phong độ, Djokovic mới chen chân. Còn Murray được điền tên vào Big Four chỉ để được gọi là cho đủ bộ.
Thế giới bóng đá thì ai cũng rõ rồi: Messi và Ronaldo.

Ở đây, tôi muốn nói, dẫu thiên tài tới đâu, bạn không ý thức về mình, để tôi luyện là chết.
Federer và Nadal luyện khủng. Ngược lại, Tyson ỷ y vào tài thiên phú, cuối cùng đã phải chơi đòn cắn, để rồi phong độ lao dốc không phanh.
Trong bóng đá, Ronaldo mập và Ronaldinho là siêu thiên tài. Dù họ có làm biếng chút đỉnh, tài năng bẩm sinh đã cứu vớt họ. Vả lại bóng đá là bộ môn tập thể, có ỷ y cũng chả sao. Chứ ở môn đối kháng một chọi một, ra rìa như chơi.
So về tài năng, Ronaldo điệu thiên tài không sánh bằng 2 trự kia, anh ý thức rõ điều đó, và nỗ lực trui luyện tối đa, miệt mài. Cứ nhìn anh nán lại tập ngón riêng sau buổi tập chung, hay ngó bắp thịt cuồn cuộn kia, cũng hiểu. Anh trụ vững ở đỉnh cao thời gian dài không phải không nguyên do.
Vậy mới biết có vài sinh linh được trời phú cho vài mủng tài năng, cứ ngỡ mình siêu thiên tài, không chịu luyện công, chưa lên đến đỉnh đồi, đã chết ngứ.

Giải ảo 4. TÀI NĂNG & KĨ NĂNG 2 (chuyện văn nghệ)

Việt Nam hay nhắc đến thần đồng thơ, việc đúng sai ta không bàn ở đây, chỉ lưu ý sự thể diễn ra sau đó: không thấy thần đồng này sáng tạo ở đâu nữa. Nguyên cớ nào thì không biết được. Quan niệm về thần đồng ở ta khác bên Tây xa lắm. Thần đồng âm nhạc Mozart, hay thần đồng thơ ca Rimbaud, chẳng hạn. Thần đồng là tuổi nhỏ sáng tác cho cả thế giới [người lớn], sản phẩm ấy độc sang và có giá trị vượt thời gian, cả về kĩ thuật lẫn tư tưởng.

Thần đồng nghĩa là thiên tài phát tiết sớm.
Thiên tài mà không ý thức, và biếng trui luyện còn chết ngứ, huống hồ thần đồng.
Cộng đồng Cham cũng có nảy nòi vài “thần đồng” thơ. Tôi có viết đâu đó từ hơn mươi năm trước, rằng về văn chương chữ nghĩa thế hệ tôi, Cham có 3, tôi là sinh linh xếp hạng cuối trong số 3 đó. Ai nhất thì tôi thứ nhì/ Có ai hơn nữa tôi thì thứ ba. Không khiêm tốn, và chẳng phải đùa đâu, chứng cứ rành rành trong tập thơ Chuyện 40 Năm… in năm 2006.
30 năm sau, “thần đồng” đã tiêu tán đường đâu chả biết. Trường hợp này tôi hiểu rõ hơn, thế nên thử nêu vài nguyên do:
– Không [biết] tự đào tạo để có kiến thức chuyên biệt về văn học.
– Tự thỏa mãn với “thiên tài” của mình, nên không luyện kĩ năng viết.
– Nhìn hẹp [tâm lí ao làng]: ta trội hơn mấy sinh linh chữ nghĩa cạnh ta là đủ.
– Nhất là, suy nghĩ nhỏ: Thiên tài này đã chung tiền để một BBT bá vơ chọn thơ mình vào tuyển, là một.

Tài năng cũng cần nỗ lực luyện kĩ năng mới mong trường sức, còn nếu ta cứ ăn mòn vào củ khoai năng khiếu, chết là cái chắc. Có khi đã chết từ khuya rồi mà cứ tưởng mình đang sáng tạo ghê lắm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *