01. Lê Vĩnh Tài & Tôi
Xa palei, xa bạn văn, xa cả văn chương, cũng nhơ nhớ.
Vừa qua đăng loạt ảnh “Giữa lòng bạn bè thân hữu”, tính làm dài dài, nửa chừng ngoảnh lại thấy nó hơi vô duyên. Vô duyên, thì ngưng. Thôi thì thử tỉ tê vài kỉ niệm nho nhỏ với bạn văn nghệ, biết đâu mai hậu nhà nào đó sử dụng làm tư liệu cho… văn học sử, mình cũng được xí phần. Thì kể…
Tôi biết Lê Vĩnh Tài lần đầu qua Hoàng Thiên Nga, khoảng năm 1997 gì đó; rồi cái tên đó trôi tuột đi mất đâu không nhớ nữa. Mãi gặp Niê Thanh Mai, khi ấy lên Ban Mê rủ rê cô nàng viết cho Tagalau, tôi nghe lại nó lần hai. Ở trển, chúng ca nhau phải biết!
Tôi mang tinh thần hậu hiện đại, khá nể nang dân đường biên, mà Lê Vĩnh Tài thuộc dạng vùng sâu vùng xa vùng cao. Ở tư thế chuẩn bị diện kiến, tôi phải nghiên cứu hồ sơ trước. Biết đâu đất này gặp thứ dữ cỡ Sara, thì tiêu.
Thao tác đầu tiên: tham khảo tiểu sử văn học hắn. Vừa bắt gặp tên tập thơ đầu tay: Và Nỗi Nhớ Lại Bắt Đầu Với Gió: lại thêm một đồ đệ Văn Công Hùng rồi. Và tôi relax.
Nhưng không. Ngó vậy mà không phải vậy.
Mà chẳng phải vậy thiệt. Hắn ngày càng to ra, bự lên, cồ tới. Đích thị thứ dữ cỡ… Sara rồi. Và còn hơn thế!
Thơ hắn ồ ạt tuôn ra, tôi ồ ạt đọc vào. Mãi chưa thấy ngán, mới phiền.
02. Trần Đình Sử & Tôi
Chúng tôi hai thế hệ khác nhau, chưa một lần ngồi chung được dăm phút, chưa đối ẩm để cạn li cà phê, lại có duyên với nhau ở… giải thưởng, để lâu lâu gặp mặt. Mỗi bận gặp là mỗi bận nghe mình già.
Ngó ảnh [2], ở Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1997 [anh người thứ hai từ trái sang], phong độ là thế; vậy mà 20 năm sau [ảnh 3], ở Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh [mé phải], anh già không chạy vào đâu được.
Ngồi cạnh Sara [ảnh 4] tại hành lang Hội thảo Hà Nội 2016, ngó ông anh càng già hơn nữa. Khiến mình cũng già theo! Chán thiệt.
Bảo hai chúng tôi có duyên là như vầy. Trần Đình Sử tiếng thế nào đất Hà Nội thì ai cũng biết rồi, chứ tôi thuở ấy [1997] vô danh tiểu tốt: Chưa vào hội, còn chưa có miếng thơ đăng báo, lại bất ngờ gặp anh ở giải thưởng to.
20 năm sau [lại 20], tôi giới thiệu anh nhận Giải Văn hóa Phan Châu Trinh, về lĩnh vực nghiên cứu, giải mà trước đó 8 năm tôi cũng đã nhận, và anh… đạt. Chả kêu là có duyện, chứ còn bằng từ gì.
Giới thiệu anh, tôi tính viết một bài thật oách gọi là để bảo vệ “Thi pháp học Trần Đình Sử”; kẹt nỗi khi ấy tôi đang bận kiếm sống tận Thái Lan, nên sau buổi anh vào Sài Gòn nhận giải, tôi mới viết. Dù có nguội, nhưng cũng trả được cái duyên.
Bài ấy mà post kèm theo ảnh ở đây thì ngon biết bao, nhưng đợi bạn thơ mình đăng báo để có nhuận bút xài cho bõ công đã chứ!
03. Phan Huyền Thư & Tôi
Hai chúng tôi nồng ấm suốt 15 năm, không ngớt…
Mãi đến kì Đại hội Hội Nhà văn 2015, thì đột ngột nguội.
Ông bà Phan Huyền Thư từng tiếp vợ chồng tôi ở Hà Nội, rất ngon lành. Cá nhân tôi vài bận ghé nhà Thư ở Thanh Xuân, hay đáo để. Festival Thơ châu Á-Thái Bình dương, Thư còn nhiệt nồng giới thiệu tôi với chị giáo sư người Úc, dù ở đó đã có Nguyễn Phan Quế Mai dịch hộ tôi, và dù tôi tự thân cũng quậy được.
Và nhất là, ở Sân Thơ Trẻ Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu, lúc đó Thư là ngôi sao – tôi còn được bạn thơ trẻ cho ngồi ké “quầy” mình để bán Lễ Tẩy trần tháng Tư song ngữ vừa từ Bangkok về đang hot.
Nồng ấm hết biết luôn! Vậy mà không hiểu sao nó bỗng chuyển sang mùa… nguội. Không còn nguội, mà là lạnh.
Đại hội Nhà văn 2015, Thư vừa ra tập thơ, tên rất cộm, và tôi thèm đọc nó. Tiệc trưa, tôi đến muộn. Vừa bước vào thì ngó thấy Thư ngồi bàn góc nhà hàng đang tám với mấy ông anh. Thường thì “anh Sara ơi, ngồi đây ngồi đây”, nhưng hôm nay thì không. Hát bài gặp nhau làm ngơ. Tuần trước ở Sài Gòn tôi có phone xin thơ, nàng hứa, rồi im. Nay, ở Hà Nội lại tiếp tục chương trình im.
Biết mạng mình, tôi tìm “empty chair” mà ngồi. Đặt đít xuống thì đụng ngay siêu sao Vi Thùy Linh đang ngồi bàn ngay cạnh. Đúng là vận rủi, 10 phút phải chịu đựng cái máy nói [xin lỗi cho lạc đề xíu], rốt cùng tôi phải bỏ bữa chạy lấy người.
– Mình có chuyện vội xíu, – tôi nói với ông bạn thơ ngồi bên, và dzọt.
Ôi, bao giờ cho đến… ngày xưa?