[5 đoạn văn sau có thể giúp bạn suy tư lại, tạm trưng ra cho bà con đọc]
1. “Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Việt đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần nắm vững chính sách dân tộc của Chính phủ. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Như thế, nếu không sợ những điều không đáng sợ, giới trí thức Cham vẫn có thể làm được nhiều chuyện” (tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-2006).
2. “Người Việt ở Ninh Thuận số dân nửa triệu mà chỉ 4 người kí; trong khi Cham có 74.000 mà số người kí tên vào Kháng thư phản đối Dự án Nhà máy Điện hạt nhân lên đến 68. Tại sao? Cham có mặt ở mảnh đất này trên hai ngàn năm, hiện phân nửa dân Cham sống ở đó, với hơn trăm điểm/ khu tôn giáo tín ngưỡng đang được thờ phụng. Kí, không phải Cham dũng cảm hơn, mà do họ có nhiều điều để sợ hơn: văn hóa, sinh mạng và nhất là, đời sống tâm linh gắn chặt với đất mẹ của họ” (Inrasara.com, 4-6-2012).
3. “Chuyện Nam tiến là thật. Đại Việt mở cõi không phải là miền đất hoang, mà là đất có chủ, và chủ nhân ấy đã dựng ở đó nền văn hóa và văn minh phát triển. Chuyện Champa mất về tay Đại Việt, cũng là thật. Việt Nam hôm nay cần nhận ra và nói lên sự thật lịch sử đó… Ngược lại, nếu ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, thì chỉ thiệt hại cho ta thôi. Chẳng những ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn của lịch sử Việt Nam, mà ta còn lừa dối cả thế hệ con cháu nữa” (RFA, 3-5-2013).
4. “Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi điền dã lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ, hay sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà tại quê nhà để giúp chính quyền địa phương dẹp tệ nạn xã hội” (Tienve.org, 3-2009).
5. “Có thể phân nhà thơ hôm nay làm 3 loài:
Người làm vần ở đó loại thơ ưa chuộng là các thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ truyền và dễ nhớ;
Nhà thơ tiếp hiện tiếp nhận và thể hiện các thành tựu gần; sáng tác vừa với tầm mong đợi horizon of expectations của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tích hôm qua của thế hệ trước đó; và
Nhà thơ khai phá luôn trên đường phiêu lưu khai phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả quen thuộc, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác.
Mỗi loại thơ, mỗi “loài” nhà thơ tồn tại đều có lí do chính đáng. Tùy thế đứng và ý hướng viết, tất cả họ đều có ích cho cộng đồng, khi hệ mĩ học của cộng đồng đang bị phân hóa tạo nên tình trạng đa nguyên trong thưởng thức và cảm thụ văn học. Khi học biết xử sự công bằng với ba “loài” trên, ta sẽ có cái nhìn khác hẳn về thơ và nhà thơ. Chỉ khi đó, sự phân biệt đối xử mới bị loại bỏ triệt để” (“Hóa giải và hòa giải ba loại nhà thơ hôm nay”, tạp chí Sông Hương số 6,2010).