Nếu “Mĩ Sơn đường về” của Trà Vigia ở Tagalau 2 làm cho Tagalau điêu đứng, thì “Thực trạng xã hội Chăm, một số giải pháp chính” của Nguyễn Văn Tỷ đăng trên Tagalau 4 làm cho chính bản thân chủ biên khốn đốn.
Đây là hai cây bút hỗ trợ tôi nhiều nhất. Thầy Tỷ: về kinh nghiệm xã hội, Trà về thông tin ngoài lề. Nhưng chính họ lại là người khiến tôi gồng mình tháo gỡ rắc rối để cứu Tagalau. Website Chamyouth – trang mạng tôi góp bài nhiều nhất và là nơi tôi trách nhiệm điều tiết bài vở trong một thời gian – liên tục nhận phản hồi gay gắt với tác giả. Có bạn còn kêu chủ biên phải chịu trách nhiệm về vụ ông Tỷ đăt điều “nói xấu” Cham.
Xưa nay để vuốt ve lòng tự hào dân tộc, ta hay thói quen viết về cái hay, cái đẹp của dân tộc mình, ai lại làm như ông Tỷ đi “chê bai” dân tộc mình? Ki ức ta dễ nhạt khi trước đó không lâu, ở Văn nghệ Dân tộc & Miền núi năm 1996, Nguyễn Văn Tỷ có bài viết rất hay để ca ngợi và nêu đức tính tốt Cham: “Ngõ vào plây Chăm”. Chẳng ai khen ông một tiếng cả; vậy mà nay ông thử nêu các điểm không hay của cộng đồng thì bị tố cáo khắp nơi. Tôi nhận và trả lời cả trăm thư phản hồi. Nhà trí thức phản biện xã hội chịu thiệt thòi là vậy. Lẽ nào xã hội Cham toàn ngon lành! Và lẽ nào một trí thức có trách nhiệm với cộng đồng lại không nên nêu khuyết tật xã hội ra để sửa?
Tất cả những nỗi ấy, tôi hiểu, vì tôi từng chịu trận qua tiểu luận: “Điểm danh 10 khuyết tật Cham” in trong Văn Hóa – Xã Hội Cham, Nghiên Cứu & Đối Thoại, 2002. Từ kinh nghiệm đó, tôi trả lời email bạn đọc, minh giải những comments trên Chamyouth, và cuối cùng có bài tổng kết: “Trao đổi xung quanh bài ‘Thực trạng xã hội Chăm’ của Nguyễn Văn Tỷ” đăng ở Tagalau 5. Mới yên!
Hai năm liền Tagalau thất thu khoản tài trợ, ở đó thầy Tỷ là người góp công lớn!
Dân tộc Cham nắm kỉ lục về “chữ bản địa sớm nhất Đông Nam Á”: cuối thế kỉ thứ IV, kéo theo hệ quả là dân tộc “lắm chữ”. Lắm chữ thành lắm chuyện. Đến định mệnh Akhar thrah song hành cùng định mệnh Cham: lắm chuyện, tan tác, nguy cơ tiêu mất nhưng vẫn cứ tồn tại.
Lắm chuyện thì đã rồi, không ai không biết: cứ tour phim xem “Chiến trường Akhar thrah” thì đủ biết.
Tan tác cũng rõ nữa: trôi giạt và khác biệt, khác biệt xa xứ, khác biệt trong một vùng, trong một palei, và ngay trong một Gru!
Khiến nó cứ muốn biến tiêu, biến tiêu như định mệnh Cham: trôi giạt qua Hải Nam, Thái Lan, Cam Bốt, Malaysia… rồi Mỹ, Canada, Pháp…
[rồi tha hương ngút mắt tha hương/ rồi thiểu số giữa lòng thiểu số – thơ Inrasara]
Vậy mà nó cứ tồn tại, mới lạ. Phép lạ, đúng hơn
[xưa/ dưới cái rây lịch sử khổng lồ/ cha lọt sàng sống sót/ lổm ngổm bò dậy làm người/ một phép lạ – thơ Inrasara].
Akhar thrah Cham, người giỏi chữ bảo vệ, người mới biết đọc biết viết bảo vệ, ngay cả người không biết chữ K cũng bảo vệ nó, quyết liệt. Đố ai dám La-tinh hóa chữ Cham? Đố ai không cho Cham dạy chữ Cham trong nhà trường! Không cho, Cham mở lớp dạy chui. Không lạ, thế hệ cha ông tôi, palei Chakleng không có ông Cham nào mù chữ Cham!
Ở đặc san Tagalau cũng thế, Cham đòi hỏi nó phải có hàng Akhar thrah: “Tuyển tập sáng tác– sưu tầm – nghiên cứu Cham”. Đơn giản vậy thôi. Có thể nói, vô cùng khiêm cung nữa. Vậy mà nó cứ đầy định mệnh! Như Cham…
Tagalau luân lạc suốt 4 kì, mãi Tagalau 7 mới được phục hồi tên TAGALAU với hàng chữ, thì sang Tagalau 8 lại có chuyện. Tôi làm việc với “tỉnh, tòa” để giải trình về bản đồ “Hành trình Xah Pakei – Mưh Rat trong trường ca Ariya Xah Pakei” (NXB Văn nghệ TP, 2006) , kèm tiểu luận “Văn học Champa ở đâu?” của Nguyễn Phạm Hùng trên Tagalau 8. Tôi nghĩ tiêu rồi: ông Inrasara ngồi cùng lúc giữa hai tên tội phạm!
Nỗi bản đồ thì dễ vượt. Đó là tác phẩm khoa học, bản đồ cần có mặt để thêm chứng từ thuyết phục, vả lại đó chỉ là bản đồ hành trình của cặp tình nhân khốn khổ đi qua làng mạc, sông suối, núi đồi. Ariya Xah Pakei là tác phẩm cổ điển, bộ không ưng bảo tồn bản sắc hay sao đây. Hai năm trước, công trình Ariya Trường Ca Cham đã được Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận bằng Giải thưởng cao rồi, không tin Hội chuyên thì còn tin ai. Thế là, đóng phí – mời qua.
Còn “Văn học Champa ở đâu?”. Hỏi thế là thế nào? Tại sao trong bài có đến 3 lượt nhắc “thôn tính”? Tôi nói, đó là tiểu luận một giáo sự Đại học Hà Nội viết, Ban biên tập nhà xuất bản duyệt nội dung, và văn học Cham – nền văn học không phải không ngon lành – cần có mặt ít nhất một chương trong văn học sử đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam. Bài này chỉ mang tính đánh động. Tại sao không?
Thế là, tới luôn bác tài.
Và hàng chữ Akhar thrah tiếp tục tồn tại cùng mệnh dân tộc Cham nổi trôi…