Inrasara: Top ten thơ Việt – Đáp án Đố vui có thưởng

10 năm thơ và xung quanh thơ Việt 2003-2013, không kể trong hay ngoài nước, chính hay phi chính thống, theo bạn đâu thuộc (có thể kể 1-3) Top Ten?

Tôi đã thông tin long trọng như thế ở Facebook, hi vọng mọi người hồ hởi đăng kí tham gia, nhưng sau 24 giờ, nó cứ đìu hiu: không độc giả hay nhà thơ nào xung phong để có thưởng cả. Thơ ca nước nhà hấp dẫn thua kém xa các trò chơi truyền hình là vậy. Thôi thì mình đố vui, mình trả lời và tự thưởng vậy. Đây là đáp án chủ quan của Inrasara, gọi là giải trí cuối tuần:

1. Bài thơ độc đáo nhất?

– “Khóc Văn Cao” [anh văn ơi/ hu hu hu] của Bùi Chát. Bài thơ ngắn nhưng tạo ấn tượng cực mạnh, hệt thanh đoản kiếm đâm chí mạng vào sự trịnh trọng giả tạo đến không thể nhàm chán hơn của xã hội và văn chương, bằng thủ pháp mới lạ. Đây không phải khóc Văn Cao mà là khóc cho sự [người, thơ…] khóc Văn cao. Bài thơ đọc một lần là thuộc ngay!

2. Khuôn mặt thơ ấn tượng nhất?

Lê Vĩnh Tài. Sung mãn thì rõ rồi. Phiêu lưu: đi từ hệ mĩ học lãng mạn hậu thời, sang hiện thực đến hiện đại, và hậu hiện đại. Ở hậu hiện đại, thi sĩ này chơi/ khai phá đầy dũng mãnh, các khai phá động cập đến hiện thực đời sống và văn chương đương thời – nếu ta cứ muốn văn chương phải bám hiện thực.

3. Hiện tượng thơ thú vị nhất?

– Nhà thơ Hữu Thỉnh đọc thơ Lý Đợi. Ý định của nhà thơ Hữu Thỉnh là đọc để phê phán, nhưng rồi do bị cuốn hút bởi hơi thơ và sự thực của hiện thực được đề cập trong bài thơ, giọng của người đọc trở nên lôi cuốn và hấp dẫn kì lạ. Không thú vị sao?

4. Sự kiện xã hội lôi cuốn nhiều bài thơ viết về nó nhất?

– Sự kiện Hoàng Sa-Trường Sa, là điều không ai không biết. Chỉ nhấn thêm, có hai cảm thức sáng tạo khác nhau về đề tài này ở hai thời điểm lịch sử khác nhau. Để hiểu nó khác nhau thế nào, tạm đọc bài: Inrasara, “Hai cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, BBC, 9-7-2011; đầy đủ hơn: Tienve.org, 7-2011.

5. Phong trào thơ sôi động nhất?

– Nhóm Mở Miệng: nó lôi cuốn dư luận nhìn về phía nó, bằng nổi loạn trong phát ngôn, trong sáng tác, trong hành xử văn học. Và không thể không nói: nó đã ảnh hưởng lớn đến văn chương và sinh hoạt văn học, và cả – xã hội.

6. Trình diễn thơ đáng nhớ nhất?

– “Cắt” của Lê Anh Hoài tại Sài Gòn: đề tài thời sự nóng nhất (Tàu Trung quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02) được thể hiện cực kì độc đáo trong không gian nghệ thuật mở. Ở đó, người xem cảm nhận đủ đầy cảm thức và thái độ nghệ thuật hậu hiện đại. Cảm nhận và tham dự…

lah-cat

7. Phát ngôn về thơ gây sốc nhất?

– Nguyễn Quang Thiều: “VN là cường quốc thơ” & Nguyễn Huy Thiệp: “Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, thất học…”. Không thể tìm ra phát ngôn nào qua mặt được về độ gây sốc và… buồn cười.

8. Nhà phê bình thơ quan trọng nhất?

– Nguyễn Hưng Quốc với tập Thơ vv… và vv… (NXB Văn nghệ, California, Hoa Kì, 1996), quan trọng ở nó buộc ta nhìn thơ theo cách khác hẳn với quán tính quen thuộc.

9. Ấn phẩm về thơ đáng quan tâm nhất?

– Tạp chí Thơ xuất bản tại Hoa Kì, ở đó nhiều tiểu luận (viết và dịch) về thơ giá trị, nhiều thể nghiệm thơ mới lạ, độc đáo. Nó tập hợp được nhiều tên tuổi thuộc vài thế hệ khác nhau, khuynh hướng sáng tác khác nhau, cả trong lẫn ngoài nước…

10. Website có ảnh hưởng lớn nhất đến phong trào thơ Việt đương đại?

Tienve.org. Có thể nói, tất cả thử nghiệm thơ mới nhất, những biểu hiện thái độ văn chương dũng cảm nhất diễn ra ở đây. 10 năm tồn tại, Tiền Vệ đã góp phần quan trọng làm thay đổi khuôn mặt thơ tiếng Việt đương đại, để hướng về một nền văn học tự do, từ đó triển khai tối đa tinh thần tự do theo đúng nghĩa cao cả và nguyên ủy nhất của từ này.

 

Sài Gòn, 25-7-2014.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *