Ngay từ năm 11 tuổi, để có tiền chuẩn bị lên Huyện học Trung học, tôi đã đạp xe qua các palei Cham bán cà-rem. Nhiều người trong lứa bạn học tôi khi ấy cũng lên Phú Quý nhận cà-rem bà Thiệt bán, nhưng chỉ được vài bữa mươi hôm thì nghỉ. Gần như tôi là đứa duy nhất còn tiếp tục cho đến ngày khai trường. Tôi đạp xe hết làng Chakleng, qua các làng khác xa hơn, cả làng Bal Riya cách quê đến 20km.
Lên Trung học, kì nghỉ hè, tôi theo bạn hoặc một mình lang thang qua hầu hết palei Cham, ngủ lại, và gặp mặt bao nhiêu là cụ già Cham. Không phải để khai thác kiến thức từ các cụ, mà là nghe kể chuyện về Cham, về chính cuộc đời các cụ. Từ ông nông dân ít học cho đến “trí thức” như: học giả Thiên Sanh Cảnh, “thứ trưởng” Châu Văn Mỗ, cả sư Hán Bằng, giỗ sư Hán Phải, nhà giáo Lâm Gia Tịnh, dân biểu Lưu Quang Sang, giáo sư Nguyễn Văn Tỷ, nhạc sĩ Đàng Năng Quạ, danh hài Amư J’Klủn, bác Lâm Nài… Tôi nghe và ghi. Tôi mới tí tuổi tuổi đầu mà ngồi chuyện với các vị như cụ non vậy chớ.
Sau đó khi lập gia đình, tôi thường xuyên tổ chức “hội thảo chiếu xe” mời các cụ về dự. Hội thảo nhà quê khá đơn giản. Khoảng 4 giờ chiều mọi người lai rai hội tụ, trà nước vui vẻ, rồi dùng bữa cơm chiều đạm bạc với gia đình. Sau đó là dành nguyên buổi tối nói chuyện. Mỗi kì khoảng mươi người từ nhiều palei khác nhau, nhiều nhân vật khác nhau. Tôi gợi ý cho các cụ nói, có khi mãi gà gáy sáng “hội thảo” mới vãn cuộc.
Đó là những trường Đại học Cham của tôi.