(Cảm nhận nghệ thuật thơ Đào Thái Sơn)
Thi ca không phải là một thực thể sinh động? Vì nó là một trong những hình thức tối thương của hành vi vận dụng trí tuệ. “Vì vậy ta không nên lấy làm ngạc nhiên, rằng tình yêu và thi ca hiện thân với chúng ta như hai khuôn mặt của cùng chung một thực tại…” Nói cách khác, thi nhân đã hoàn chỉnh thi phẩm để rồi nó không thuộc sở hữu của chính mình. Với nhãn quang trữ tình, Đào Thái Sơn đã và đang nhìn thấy được hiện tại, dù cảm thức biết được hiện tại là gì, thì nó đã thuộc về quá khứ rồi. Thi nhân đang dấn thân vào cái ẩn mật tiềm tàng, để rồi tự hỏi: “Thật ra con người như thế nào đây? Ở đâu đến, đi về đâu?…” Chỉ còn nghe đâu đó âm hưởng đồng vọng trong mê lộ cô đơn.
ta cố viết cho người điều không hiểu
vì chính ta nào có hiểu gì đâu!
tôi đã khóc dưới hình hài con chữ
tôi đã cười cùng vơ vẩn khổ đau
Không thể chờ đợi một ý thức hệ, để ta thưởng thức màn trình diễn của những bộ mặt hoài nghi, tuyệt vọng, bất mãn tột cùng không lối thoát. Như vậy, thi nhân cố tìm thấy sự tự tri tự ngộ của cá nhân. Có thể thi ca là niềm tin giải thoát những căn nguyên “vọng tưởng” nội tại đang chuyển dịch để sang bờ bến khác? Hiện tại ĐTS cố tình chọn cho mình một hình thái thi ca diễn đạt “bạch văn”, nhưng người đọc vẫn tìm thấy thứ dấu hiệu khả giác của một ý tưởng ngấm ngầm trong bãi hoang du… có cái chết bên lằn ranh sự sống.
này người ạ, trên chiếu đời dĩ một
những linh hồn tranh nhảy tọt xuống hang
giữa lằn ranh tháng ngày tôi hoảng hốt
khi biết người gìn giữ mãi ly tan
“Cái biết là ký ức, kinh ngiệm, tủ sách, là cái tôi nằm ở quá khứ. Cái chưa biết là cái chân thiện mỹ, là đạo, là bản thể của muôn vật, là chân tướng của sự sống chết”. Từ cái tôi, thi nhân đang phô diễn ra một cái tôi khác, để rồi chạm mặt với tha nhân.
Người bình thường không có khả năng kinh nghiệm về hiệu lực của satna. Kinh nghiệm về hiệu lực của satna chỉ có thể có khi mà sự rèn luyện phát triển cái biết đã đạt đến cấp độ tối thượng, tức là năng lực Phật. Nhưng về lý thuyết, tác dụng của satna vẫn có thể được trình bày trên một số phương diện nhất định. Chính vì truy tìm được mối tương quan từ tư tưởng thi ca và giá trị cảm xúc kết hợp chặt chẽ với đời sống tâm linh.
người thổn thức ngàn lần trong rong ruổi
tôi khấn cầu quỳ lạy chính hồn tôi
người hãy đứng bên kia đường người nhé
vì sát na yểu mệnh sắp tàn rồi
Thi nhân đang lùi bước cách quãng nỗi tuyệt vọng, không thể nói đó là sự trốn chạy. Hãy nhìn một cách khách quan, thi nhân đang tìm những phút giây suy niệm cùng hòa đồng với hy vọng vĩnh cửu. Và hy vọng bao giờ cũng thể hiện cái thiên chức khảo sát hành vi và trí năng của mình. Vũ trụ này sẽ tặng không thú vui và điều kỳ lạ cho những ai biết hưởng, đừng nên bận tâm… phải sẵn sàng nếm hương vị cuộc đời “Tâm hồn tôi là cái quán ở ngã tư (André Gide)”. Không có Thượng đế hay Chúa trời nào khác hơn con người hoàn thiện. Chính vì thế ĐTS thi sĩ chiêm nghiệm được “chân lý” đã thân chứng vào con người thi nhân và tự hỏi: nợ nần vay ai là kẻ đáp đền!
người đừng viết tấm bia tình khai tử
mối tình điên vốn không tuổi không tên
Chúa đã chết khi đời chưa tận thế
nợ nần vay ai là kẻ đáp đền!
thị xã TN mùa thu 2013.
“mật ngữ cho người” – thơ Đào Thái Sơn
Trích: ánh mắt tẩy trần (bản thảo thơ)