* Inrasara – Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, Thành viên Hội đồng xét tuyển Giải thưởng Sách Hay 2013 (hạng mục Nghiên cứu) & nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, (hạng mục Văn học). – Photo Kiều Maily.
báo Bình Thuận cuối tuần, 27-9-2013.
*
Sáng ngày 22-9-2013, tại phòng khánh tiết Khách sạn REX – TP Hồ Chí Minh, Giải thưởng Sách Hay năm 2013 đã được công bố và trao tặng. Đây được xem là Giải thưởng dân lập đầu tiên ở Việt Nam với quy mô lớn: 6 hạng mục, mỗi hạng mục chọn một sách viết và một sách dịch; cạnh đó thêm hạng mục “Phát hiện mới”. Chỉ sau ba năm hình thành và phát triển, Giải Sách Hay đã làm nên thương hiệu uy tín.
Năm nay, cả 5 hạng mục đều có sách viết và sách dịch được chọn, riêng hạng mục Quản trị, giống như năm 2012, Hội đồng Xét tuyển không tìm ra tác phẩm viết để chọn mặt gửi vàng. Đó là thiếu sót lớn của tư duy “quản trị” của văn hóa Việt.
Giải Sách Hay hội tụ một Ban Giám khảo và Hội đồng Xét tuyển (gồm 7 Hội đồng) có đủ tâm, đủ tầm đánh giá chất lượng “sách”. Văn hóa đọc bị cho là đang xuống cấp, do đó việc “chọn” sách cho người đọc đương thời quá hiếm giờ bằng tôn vinh qua giải thưởng, là điều cần kíp hơn bao giờ.
Hơn nữa, trước biển cả sách giấy và sách mạng, sự “định hướng” của Ban Giám khảo khi đòi hỏi tác phẩm được trao giải phải mang một thông điệp, là cách làm hay. Trong khi Thần, người và đất Việt (NXB Văn hóa Thông tin, 2006) của Tạ Chí Đại Trường mang thông điệp về tinh thần hòa hợp: không phân biệt trong hay ngoài nước, Nam hay Bắc… thì Li Tana qua Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỉ 17 & 18 (NXB Trẻ, 1999) do Nguyễn Nghị dịch, nhắc nhở chúng ta hôm nay chú ý đến nền kinh tế nước nhà hiện tại.
Nếu Đi vào nghiên cứu khoa học của Nguyễn Văn Tuấn (NXB Tổng hợp TPHCM, 2011) nhấn mạnh sự tối quan trọng của nghiên cứu khoa học trong Đại học, một nghiên cứu không chấp nhận làm công cụ phục vụ mục đích ngoài khoa học; thì Chiến lược Đại dương xanh (NXB Tri thức, 2010) của Chan Kim Renee Mauborgne do Phương Thúy dịch gửi đến độc giả một thông điệp gần như ngược đời: Đi tìm/ sáng tạo một thị trường không cạnh tranh. “Không cạnh tranh trong khoảng thị trường đang tồn tại, Chiến lược xanh tạo ra một thị trường không có cạnh tranh. Không đánh bại đối thủ cạnh tranh mà làm cho cạnh tranh không còn hoặc trở nên không cần thiết. Không chú trọng khai thác các nhu cầu hiện có, tập trung vào việc tạo ra và giành lấy các nhu cầu mới.”
Ở hạng mục Văn học, từ Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc tấn (NXB Hội Nhà văn, 2009) cho đến dịch phẩm Nắng tháng Tám của William Faulkner (NXB Hội Nhà văn, 2013) do Quế Sơn dịch, đều mang thông điệp nhân văn cao cả.
Đặc biệt năm nay, Giải Sách Hay ở hạng mục Phát hiện mới đã phát hiện hai tác phẩm khoa học xã hội giá trị. Chuyện nghề của Thủy do Trần Văn Thủy – Lê Thanh Dũng viết (NXB Hội Nhà Văn, 2013) là chuyện không chỉ của nghề (Trần Văn Thủy được cho là đạo diễn người Việt hàng đầu hiện nay) mà là chuyện cả đời người được gói gọn trong cuốn sách. Cạnh đó Giã biệt hoang vu (NXB Hội Nhà Văn, 2013) của một nhà báo gần nửa đời bám Tây Nguyên – Nguyễn Hàng Tình – được tôn vinh, cũng rất xứng đáng. Nhà báo này mang đến người phố thị thông điệp “hoang vu”. Người Tây Nguyên quý rừng, yêu rừng, thành kính rừng. Họ thờ cây, họ không nỡ giết cọp, khi biết cọp mẹ ấy đang kì cho con bú. Thế nhưng khi người miền xuôi phá không còn cây nào, giết bất kể con gì… thì họ làm gì? Một câu hỏi lớn trước chúng ta, những người đọc – để suy ngẫm.
Giải Sách Hay là giải thưởng thường niên do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) tổ chức. Với tiêu đề “Lan tỏa trí thức”, buổi lễ trao giải năm nay bao gồm hai phần: Phần 1. Công bố Giải Sách Hay 2013, và Phần 2. Tọa đàm “Sách & Khai minh”.
Đây là điểm mới. Mới nên có hấp lực lớn. Chỉ sau hai tuần thông báo, đã có hơn ngàn người đăng kí tham dự buổi lễ, trong khi khán phòng sang trọng của REX chỉ chứa được 7-800 người, đành phải hạn chế. Tất cả làm nên thành công lớn của Giải sách hay.
Thầy lúc nào cũng vậy.
Thầy không quan tới các câu chuyện thị phi là đúng lắm. Em ủng hộ thầy. Chúc thầy sáng nay diễn thuyết thành công mỹ mãn.