Đoàn Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, giới thiệu vào tối 13-10-2012, trong Ngày Hội Văn hóa Dân tộc Chăm – Ninh Thuận.
Kịch bản gồm 2 phần: 1. Inrasara – Cuộc đời và tác phẩm: 10 phút, 2. Múa Chăm: 5 phút.
Đinh Hường
Kính chào quý đại biểu, quý quan khách.
Trong không khí tưng bưng của ngày hội Văn hóa dành cho đồng bào Chăm tại tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi rất vinh dự được thay mặt cho Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh tham dự chương trình liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách với mong muốn được giao lưu với các đơn vị bạn và cũng nhằm giới thiệu về một tác giả và tác phẩm thơ ca rất có giá trị mà chúng tôi tin chắc đây là niềm tự hào của Ninh Thuận, một cái nôi của truyền thống văn hóa Chăm.
Chúng tôi gồm các thành viên Đinh Hiền và Thanh Vân xin gởi lời chào trân trọng đến tất cả quý vị và lời chúc thành công cho buổi liên hoan hôm nay.
Thanh Vân: Kính thưa quý vị.
Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh có một kho tư liệu trên 2 triệu bản, trong đó tài liệu về văn hóa Chăm khá đa dạng và phong phú với trên 300 tác phẩm gồm nhiều thể loại: thơ ca, nghiên cứu, truyện văn học, tạp chí, luận án do chính người Chăm và người Việt viết nhằm phục vụ cho sinh viên và các bạn đọc quan tâm đến nền văn hóa Chăm trong nhiều thập kỷ qua.
Đến với Ninh Thuận lần này, chúng tôi mong muốn giới thiệu về một người con của Ninh Thuận – nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Inrasara Phú Trạm – để chúng ta có dịp nhìn ngắm và thưởng ngoạn những công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm trong suốt hơn 30 năm qua của ông.
Đinh Hường: Kính thưa quý vị
Chúng ta biết, người Chăm đã có những đóng góp to lớn vào nền văn hóa Việt Nam. Từ các khu tháp Chàm đứng uy nghi và kiêu hãnh trước thách thức của thời gian dọc dải đất miền Trung cho đến các điệu múa Chăm trên sân khấu, từ các sử thi akayêt, các trường ca ariya Chăm được chép tay trên lá buông, cho đến khúc dân ca được hát khắp các palây Chăm, từ phong tục tập quán ngàn đời cho đến các sáng tác văn học nghệ thuật đương đại… Tất cả nhằm làm giàu thêm kho tàng văn hóa của đất nước Việt Nam đa dân tộc. Hiên nay có gần hai mươi vạn người Chăm sống trên hơn mười tỉnh thành, mỗi nơi đều lưu truyền nền văn hóa truyền thống chung bên cạnh là những nét địa phương độc đáo.
Thanh Vân: Ninh Thuận, nơi người Chăm cư trú đông nhất trong cả nước, đang sống cộng cư với đồng bào Kinh và các dân tộc anh em khác. Dù là tỉnh nắng nóng nhất nước, nhưng Ninh Thuận đầy tiềm lực kinh tế với hải sản Cà Ná, hành tỏi Văn Sơn cũng như các đặc sản như nho, cừu, dê nổi tiếng cả nước.
Chính nơi miền đất nắng gió này đã sản sinh một khuôn mặt vừa đa dạng về tài năng vừa độc đáo về giọng điệu. Đó là Inrasara – Phú Trạm, một nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong giới văn học hiện đại của Ninh Thuận nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Đang theo học Đại học, chàng trai Chăm Inrasara đã bỏ dở nửa chừng để rồi lang thang khắp làng quê Chăm chép sách cổ nhân, say mê văn học và triết học, để 20 năm sau đó, được nhiều trường Đại học mời giảng dạy. Từ một nông dân nghèo không tên tuổi, lớn lên làm đủ nghề để kiếm sống: từ cày ruộng thuê đến trồng nho, từ làm nghề thú y đến dạy học, từ buôn chuyến đến mở quán tạp hóa, trải qua bao thăng trầm biến đổi trong cuộc đời của người thanh niên trẻ Inrasara Phú Trạm, cho đến hôm nay đã trở thành một văn nhân nổi tiếng khắp đất nước và cả nước ngoài.
Đinh Hường: Chúng ta hãy cùng xem những giải thưởng lớn mà ông đã đạt được:
– 2 lần Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
– Giải thưởng Văn học Đông Nam Á.
– Giải thưởng Trung tâm Lịch sử và Văn minh Đông Dương – Đại học Sorbonne – Pháp.
– Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh.
– Giải thưởng Hội đồng Dân tộc – Quốc hội khóa IX.
Và hàng chục giải thưởng khác nữa. Điều đó là một vinh hạnh lớn và sẽ là nguồn lực mạnh mẽ làm giàu kho tàng văn hóa Việt Nam nói chung
Hiện nay ông là Trưởng Ban Lí luận – phê bình của Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam. Các Hãng phim và Đài truyền hình đã thực hiện trên 30 thước phim tư liệu về hình ảnh và con người của Inrasara Phú Trạm với nhiều nội dung nhằm giới thiệu với công chúng về sự đóng góp lớn lao của ông trong kho tàng văn hóa Việt Chăm. Mới nhất là tập tư liệu mang tên: “Người giàu chữ ở Chakleng”, do Đài VCTV1 phát sóng vào tháng 7/2010
Thanh Vân: Với một quan điểm rất thoáng trong tầm nhìn về cuộc sống, về con người, Inrasara đã miệt mài trên con đường đã chọn, và đã khẳng định tên tuổi mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhắc đến Inrasara không thể không nhắc đến hoạt động xã hội đa dạng của ông, đó là các công trình nghiên cứu văn hóa Chăm với bộ ba Văn học Chăm nổi tiếng, các cuốn Từ điển Chăm, Tự học tiếng Chăm… và đặc biệt là anh đã chủ biên xuất sắc đặc san Tagalau, tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm gồm 13 tập. Đó là đặc san duy nhất của dân tộc thiểu số trên đất nước ta hôm nay. Đặc biệt hơn nữa, Inrasara cùng người bạn đời được mệnh danh là Nghệ nhân Bàn tay Vàng Thổ cẩm, bà Inrahani đãdựng nên Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani tại làng mình để phục vụ cộng đồng.
Những năm qua, công chúng văn học còn biết đến Inrasara như một nhà phê bình văn học sáng giá qua các tác phẩm tiêu biểu như Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo và Song thoại với cái mới. Ngoài ra ông còn có hơn 300 bài tiểu luận, thơ, truyện ngắn, bút kí đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước
Đinh Hường: Nhưng thể loại làm nên tên tuổi của người con Ninh Thuận này chính là sáng tác thơ rất độc đáo của ông. Thơ Inrasara đã chinh phục bạn đọc đại chúng và cả giới khoa bảng. Không phải không lí do, thơ ông đã được chọn làm đề tài cho gần 30 khóa luận Cử nhân, 7 Luận văn Thạc sĩ và 1 Luận án Tiến sĩ. Chúng ta hãy lắng nghe những lời tâm sự của ông:
“Tôi là đứa con Chăm, sống và viết giữa hai dòng văn hóa Chăm – Việt, giữa nghiên cứu, sáng tác và phê bình. Nghiên cứu để bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc, nhưng tôi không coi truyền thống là thứ bất di bất dịch, mà luôn luôn động. Thể loại yêu thích của tôi là thơ. Cuộc sống Chăm hôm qua và hôm nay có vô vàn câu chuyện để kể, do đó, tôi không từ chối thử nghiệm thể loại khác là tiểu thuyết.”
Thanh Vân: Dù đại bộ phận thơ của Sara đều sáng tác theo thể tự do, dù cho anh đi từ hệ mỹ học lãng mạn đến hiện đại và hậu hiện đại, thơ anh vẫn luôn giữ chất mộc mạc với những hình ảnh thơ gần gũi, tứ thơ đậm tình quê hương dân tộc. Chính vì vậy, thơ của anh dễ đi vào lòng người đọc và dễ dàng đến với nhiều tầng lớp công chúng khác nhau. Chúng ta hãy cùng cảm nhận sự trải lòng của nhà thơ qua bài “Đứa con của đất”, trích trong tập thơ Tháp nắng, năm 1996.
Đinh Hường:
Tôi,
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.
Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak
ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu.
(Thanh Vân) Và trong bài: “Ngụ ngôn của Đất”, chúng ta cảm nhận được một điều, chàng trai ấy ngay từ tuổi thiếu niên đã biết yêu văn hóa dân tộc và muốn làm nên công trình văn hóa Chăm, chàng trai đã đi lang thang qua các làng palây Chăm.
Đinh Hường:
Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
Thanh Vân: Yêu quê hương dân tộc, Inrasara yêu từng ngọn đồi, mảnh ruộng cho đến những đồi tháp quê mình:
Đinh Hường:
Chuyến xe Sài Gòn – Phan Rang tôi đi lại quá trăm lần
Tháp có đó – tôi vờ như không có
Thoáng sát-na không gian bùng vỡ
Tháp hiện nguyên hình
tháp nắng
thênh thang.
Thanh Vân: Và Inrasara yêu dáng kiêu sa của tượng vũ nữ Chăm Trà Kiệu, chúng ta hãy lắng lòng cùng nhà thơ qua bài “Apsara – Vũ nữ Chàm” in trong tập thơ Tháp nắng năm 1996.
Ngủ quên trong kiếp đá
Bàn tay nghệ sĩ hoài thai
Trăm năm làm một thuở
Nỗi mơ nung nấu ngàn đời chưa nguôi.
Cựa mình ra lòng đá
Nụ cười phiêu lãng trên môi
Mang hình hài vũ nữ
Qua miền cuộc lữ rong chơi đất trần
Mai trở về cõi đá
Đường cong diễm ảo khơi vơi
Sát-na thành thường trụ
Cho nhân gian nửa đất trời nhớ thương.
Thanh Vân: Yêu quê hương, nhà thơ yêu cả những con người kham khổ trong sinh hoạt ngày thường. Từ người mẹ dệt thổ cẩm, người chị làm gốm cho đến người bán thuốc dân tộc
Đinh Hường:
Những người chị Chakleng
trói lưng ngồi hết ngày đời
ngồi lấn cả đêm
những người chị lưng phản
ngồi quên lấy chồng
vòm vú teo không biết
Những bà mẹ Hamu Chrauk
đầu đội giành lu rao bán
khắp phố cùng thôn
ngày sang đêm
tiếng rao dội luôn vào giấc mớ
ai … lu, trã, nồi, trách… khôôông…
Những chàng trai Pabblap
chân trần lang bạt
kì hồ ciet gha harơk lên vai
gánh dọc thế kỉ hai mươi
hiên ngang gánh sang hai mốt
không lần ngưng nghỉ
Thanh Vân: Và người thơ ấy đã yêu, đã làm việc, đã sáng tạo và đã tìm được hạnh phúc trong sáng tạo, chúng ta hãy nghe phút suy tư của ông trong bài “Ngụ ngôn của Đất” in trong tập thơ Tháp nắng năm 1996
Đinh Hường:
Một ánh nhìn của cha
nửa nụ cười của mẹ
và hai bàn tay diệu vợi của em
giữa mênh mông màu nắng quê hương
hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa?
Thanh Vân: Có thể nói, Inrasara là một “hiện tượng” khi anh vừa xuất hiện trên thi đàn năm 1996 với tập thơ đầu tay Tháp nắng đoạt Giải thưởng lớn của Hội Nhà văn. So “tuổi nghề” văn chương, Sara được coi là một cây bút trẻ. Sau khi ra mắt công chúng, cây bút trẻ Sara liên tục giành được nhiều giải thưởng lớn khác. Và ông thực sự gây “sốc” cho giới văn sĩ và công chúng trong nước khi vào năm 2005 bất ngờ giành Giải thưởng Văn học các nước ASEAN. Có lẽ, chính vì sự thành công dồn dập ấy khiến nhiều người từng gặp Inrasara có nhận xét đó là một gã kiêu ngạo. “Kiêu” cũng phải, bởi ở Việt Nam có mấy ai được giải thưởng ấy.
Đinh Hường: Chúng ta đã từng nghe câu nói văn tức là người. Và trong thơ của Sara, chúng ta đã bắt gặp những lời thơ mộc mạc, ý thơ giản dị chân tình như chính con người của ông. Ông luôn tự nhận: Mình chỉ là một thợ cày. Và hiện tại, người thợ cày ấy đã cho ra đời đến cả trăm cuốn sách với hàng ngàn bài thơ, tiểu luận phê bình văn học, công trình nghiên cứu văn hoá Chăm mà sau mấy chục năm ấp ủ mới cho ra mắt công chúng. Sara bộc bạch: “Mình cũng chẳng nhớ nổi là đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm nữa”. Có lẽ, Sara không muốn đưa ra con số cụ thể nào vì ông sẽ còn sáng tác đến khi nào không thể, nên chưa muốn “tổng kết” số liệu gia tài văn học của mình.
Thanh Vân: Hiện tại với gần những tác phẩm tiêu biểu mà Thư viện đang trưng bày tại khu vực trung tâm lễ hội, rất mong được sự quan tâm của quý vị để chúng ta có dịp tận mắt xem những tác phẩm ấn tượng của Inrasara nói riêng và nhiều ấn phẩm khác nữa, đặc biệt là bộ đặc san Tagalau 13 tập do chính Sara chủ biên.
Đinh Hường: Đoàn Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vừa hoàn thành xong phần dự thi tuyên truyền giới thiệu sách của mình. Xin cám ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị, tiếp theo chương trình, xin kính mời quý vị hãy cùng thưởng thức điệu múa dân gian Katé do các bạn nữ tham gia dự thi phần năng khiếu thực hiện.
Kết thúc màn múa năng khiếu, cả đoàn bước ra dàn hàng ngang trên sân khấu, (Đinh Hường) đại diện phát biểu cảm ơn và chào bế mạc.
Đinh Hường: Kính thưa quý vị, chúng ta vừa thưởng thứcđiệu múa dân gian Katé.Và trong buổi tối hôm nay, chúng tôi cũng xin trân trọng giới thiệu sự hiện diện của nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Inrasara để chúng ta cảm nhận được một cách chân thật về một con người thơ thật giản dị, chân tình nhưng cũng hết sức cởi mở. Xin được kính mời nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Inrasara bước lên khán đài.
Xin kính mời ông Bùi Xuân Đức, giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM lên tặng hoa cho nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Inrasara Phú Trạm.
Xin cám ơn ông Bùi Xuân Đức, cám ơn nhà văn, nhà nghiên cứu Inrasara.
Thanh Vân: Kính thưa quý vị,đoàn Thư viện thành phố Hồ Chí Minh vừa hoàn thành phần dự thi Tuyên truyền giới thiệu sách và năng khiếu. Xin cảm ơn sự quan tâm của quý vị, và nhân buổi hôm nay, Đoàn Thư viện KHTH TP HCM xin gởi tặng ban giám khảo, ban tổ chức và 5 đơn vị bạn cuốn tạp chí Tagalau 13 do chính Inrasara chủ biên như món quà tinh thần trân trọng và ý nghĩa nhất. Xin cảm ơn và trân trọng kính chào.
Kịch bản tối hôm đó nghe nói nhà thơ Inrasara nhận được 2 xuất. Bình Thuận giới thiệu cuốn Văn học Chăm của anh. Nhất là đoàn Thành phố diễn mục cuối cùng trong tối đó – mà giới thiệu tác giả.
Chúc mừng đứa con của Đất trở về với Đất!
Thơ của Inrasara về quê hương là tuyệt vời!
Tôi xin mời độc giả dọc lại đoạn rất hay này:
“Tôi là đứa con Chăm, sống và viết giữa hai dòng văn hóa Chăm – Việt, giữa nghiên cứu, sáng tác và phê bình. Nghiên cứu để bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc, nhưng tôi không coi truyền thống là thứ bất di bất dịch, mà luôn luôn động. (Mặc dù) thể loại yêu thích của tôi là thơ. (Thế nhưng) cuộc sống Chăm hôm qua và hôm nay có vô vàn câu chuyện để kể, do đó, tôi không từ chối thử nghiệm thể loại khác là tiểu thuyết.”