Đúng một năm rưỡi sau vào chiều tháng 3 năm 1999, Cao Xuân Hoang đi xộc vào nhà tôi, khẩn trương quá cháy từ đường. Mình phải qua ông gấp, không thể chần chừ thêm nữa.
…
– Ông bạn tôi ở Ban Dân tộc tỉnh đang tập trung ý kiến các trí thức…
– Tết Conggo! Tết Conggo! Ông nhà triết gia kiêm đại thi hào Chăm ơi! Ngồi đó mà đợi Ban Dân tộc tỉnh ngâm cứu có mà trâu mọc hàm dưới.
– Ông anh có gì cố vấn không?
– Đợi mãi cậu em mới chịu nêu ra câu hỏi đáng đồng tiền bát gạo. Anh nhìn tôi, vừa như dò xét vừa tìm sự đồng tình.
– Ông có chú ý mấy cha cố xơ-vin đi vào làng vài năm qua không? Hiếu Lễ, Hữu Đức, cả Chakleng ông họ cũng không chừa. Và bản thân ông nữa cũng đang trong tầm ngắm của họ.
– Có nhiều giáo phái lắm…
– Ồ, cha cố cả. Cứ theo đạo Chúa thì ông anh mầy gọi đại cha cố cả, dù trẻ hay già, chịu lấy vợ hay không.
Đột ngột anh im lặng
– Nhưng…
– Không nhưng gì cả. Hãy dỏng tai mà nghe ông anh cố vấn: Đừng bỏ lỡ thời cơ trăm năm có một này. Đầu của một nông dân Chăm chỉ được tính bằng mấy hộp bánh thôi, chứ đầu của nhà tư tưởng kiêm tiểu thuyết gia tầm cỡ cậu em trở lên thì 50.000 đô la, đô la Mỹ đấy.
Tôi thừ người, nhìn ra ngoài trời nắng sắp tàn. Các cô thợ may của Mưlan hối hả đi qua khu phòng trọ ăn vội cơm chiều rồi trở lại tiếp tục ca đêm. Đồng lương chỉ được 25.000 đồng/ ngày. Tôi nghĩ các cô gái quê tôi chổng mông suốt ngày cấy lúa ngoài nắng chỉ được 15.000 đồng, mà đã có đâu đồng nhiều để cấy. Ngay sáng nay thôi, ba thanh niên Phanrí vào xin việc đã hết chỗ, lủi thủi về. Về đâu?
Vậy mà ông anh bạn ba mươi năm ân oán của tôi đã mang đầu tôi ra rao bán 50.000 USD chẵn, cái đầu hâm hẩm của một thi sĩ man mát.
– Tôi thấy khổ thân ông và tội cho mấy nhóc nhà ông. Mỗi năm chui rúc mỗi căn hộ cho thuê khác nhau, lũ chuột cống cũng không thèm quá bộ thăm. Thằng anh mầy mà có được mấy nhóc kháu như mầy hẳn, ông cắt trời ra mà bán. Có cái nhà cao ráo đường hoàng rồi thì văn chương cứ tha hồ mà bay bổng. Đừng lý tưởng con ơi! Phải thực tế, thực tiễn.
– Giá cái đầu em út thì vậy, còn giá ông anh, nó bao nhiêu? Sao ông anh không lãnh ấn tiên phuông avăng gạc cho bà con nhờ….
– Mình họ croix dấu đỏ mất rồi. Cả Chế Khan cũng thế. Hai gien đột biến trong Chăm. Một thì khôn quá xá khôn, một lại hết thuốc chữa. Cậu em, Pathit, Jaklan còn ngay thẳng, còn xanh, họ còn xài được.
– Tụi này được cho là ngay dại tapak gila chứ gì?
Im lặng.
– Họ muốn xé lẻ mình, muốn mua mình. Cả Đông lẫn Tây, trong lẫn ngoài. Xé lẻ để dễ mua. Tương kế tựu kế – cứ bán! Vào rồi ra. Vào lại ra. Lại vào và ra, dại gì. Chả chết ma nào cả!
– Ơn Chúa! Rồi sớm chiều tối qua lại tới lui ngó hình Chúa con sẽ thấm nhuần mất. Nhưng bán trọn gói thế thì cái nỗi chương trình xuất khẩu ý tưởng năm ngoái phá sản ráo rồi còn gì, thưa cố vấn.
– Đừng bạt mạng thế. Ông anh thương mầy nên gợi ý đó thôi.
Bất chợt anh đổi giọng.
– Đù mẹ, thật muốn điên cái đầu lên được. Chả có lấy mống nào ra hồn để mà gửi gắm lí tưởng. Trọn ổ bọn chút tài còm đổ xô đi làm chuyện trời ơi. Sao cái ông trời thiên vị không nhỏ vào tâm linh Chăm lấy môt giọt tế bào thực tế Do Thái hay khôn ngoan Tàu khi nặn ra thứ nòi giống này!? Chúng không biết, không thèm biết giá của chúng nữa. Cả mầy cũng thế. Đù mẹ thằng Thuman nói mầy đồ hèn đại nhân. Biết mà không dám. Chỉ cần ý tưởng lớn đó sượt qua đầu thôi cũng đủ khiến mầy vãi ra quần. Vậy mà đòi truy tầm tư tưởng chiều sâu của tổ tiên Chăm. Thằng Saman bạn nối khố mầy làng tao cũng một giuộc. Ý tưởng “Cộng đồng mở” giá chót phải trăm ngàn chớ có đùa. Hãy tưởng tượng chương trình đó mà kết hợp với “Thủ đô trên Sao Cày” của Glang Anak! Nhưng hắn có chịu cụ thể hoá nó đâu. Tư tưởng biết đi ấy hiện đang đứng canh chòi dưa tận núi Chàbang! Chăm đúng là nòi phung phí. Phung phí ngu xuẩn không Chúa, Phật nào thèm độ lượng cúi xuống chạy chữa!
Phá sản! Nát bét rồi.
Im lặng.
– Cả tao cũng chả hơn gì, mẹ khỉ. Nhưng dù sao đi nữa cũng phải cố lần chót. Ba năm nữa không rục rịch gì tao cũng chuồn, đi trước, như Chế Khan bày thế. Một lúc lâu:
– Mầy biết tao sẽ đi đâu không? Qua Campuchia mà làm bộ trưởng giáo dục bên đó.
Tôi cười. Anh cười theo, mặt méo như khỉ bóc phải cứt gà. Là sự vụ hiếm hoi lắm mới thấy xuất hiện trên khuôn mặt luôn tràn đầy vẻ phởn chí của nhà đại cố vấn họ Cao.
Inrasara, Chân dung cát, 2006