Bài học Minh Tuệ-25. TỪ ÁNH SÁNG MINH TUỆ

[Làm gì, trước sự DỐI và cái ÁC đang hoành hành?]

Lạ quá, từ hiện tượng Minh Tuệ xuất hiện, tôi dành bình quân cả tiếng đồng hồ mỗi ngày để dõi theo bước chân ông. Dõi theo mà rưng rưng…

Để hiểu đời, hiểu người, và nhất là – hiểu mình.

1. Phơi mình trước ánh sáng, và ông chính là ánh sáng…

Cho xàm tăng, ma tăng, ác tăng giật mình hãi sợ. Ông chả có gì, trong khi họ có tất cả, có nhiều và còn muốn có thêm. Ngay tức thì, họ lên chương trình: PHẢI HÀNH ĐỘNG!?

Cho hàng triệu sinh linh lâu nay ngủ mê tin nghe, quỳ lạy dâng hiến từ tiền bạc, của cải cùng mọi mọi thứ khác – chợt thức tỉnh. Để đối mặt trước câu hỏi: ĐÂU LÀ MỘT TU SĨ ĐÍCH THỰC?!

Cho hàng ngàn thức giả có cái mà đối sánh, từ đó nhìn ra chân tướng cùng huyền nghĩa tối hậu của Đạo Phật. Rằng không phải ông vận vào mình áo cà sa óng ánh, ngồi đài cao ra sao, nói Pháp giỏi tới đâu, mà là ông HÀNH PHÁP thế nào.   

Và cho tôi, tái đặt câu hỏi cho chính mình: Đâu là ý nghĩa của sống?

2. “Nhân chi sơ, tính bản ác” là tuyên ngôn triết học của Tuân Tử…

Ác, không riêng gì quần chúng đang tổng sỉ vả một sinh linh vô trú, vô cầu, vô ngã, ngoài cái tâm rộng lượng tín thành đi về miền vô định.

Ác còn lan sang một số tu sĩ, được xem là thành phần sang cả, đang quyết truy cùng diệt tận ông.

Chợt nhớ, ở HTX thơ Việt Nam, cái ác cũng từng thao túng dư luận.

Một nhà thơ nổi tiếng đã tố cáo Inrasara do nịnh bợ mà được ngồi vào “ghế” Chủ tịch Hội đồng Thơ, chớ một cây bút DTTS mà làm gì với tới chốn ấy – bằng chuyên môn. Trong khi tôi không quan tâm đến, không ứng cử vào, càng không nở mũi khi được nó.

Nữa, khi tôi được bầu vào Trưởng ban LL-PB của Hội VHNT-DTTS Việt Nam, ông Phó giáo sư – tiến sĩ nọ viết loạt bài xuyên tạc, bôi nhọ tôi, như thể hận thù đâu từ kiếp trước.

Inrasara: “Thi sĩ có thể sai, nhưng bạn không được quyền ác”.

3. Làm gì, trước sự DỐI và cái ÁC đang hoành hành?

Như Triết học phi lí của Camus, mệnh đề “Nhân chi sơ, tính bản ác” không là điểm kết thúc, mà phải được xem như một khởi đầu, cho thức tỉnh và hành động. Nó nhấn mạnh vai trò giáo dụctu dưỡng đạo đức để con người trở nên tốt đẹp trong xã hội.

Về hiện tượng Minh Tuệ, làm gì?

Với giới tu sĩ, Tổ chức cần có biện pháp tu chính quyết liệt và rốt ráo, ngay bây giờ.

Với quần chúng, cần đến nền giáo dục, ngay từ cấp Mẫu giáo.

Còn giới cầm bút hay gõ bàn phím, người đọc đòi hỏi 1 điều duy nhất: Biết xấu hổ trước chữ nghĩa dối trá của mình.

Ở đó, Minh Tuệ là biểu tượng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *