Viết theo kiểu ta biết, ta học thì hẳn rồi. Sử gia cứ dựa theo dữ liệu: Văn bản vương triều [từ nhiều nguồn, trong nước lẫn nước ngoài], bi kí, có tham khảo ghi chép của người bản địa hay khách lữ hành, tổng hợp là xong.
Tại sao không thể có kiểu viết lịch sử khác? Như cách giáo sư Trần Hùng trong tiểu thuyết Chân dung Cát-2006 đề nghị: “Không phải cứ vận dụng duy một hệ thống sử để viết lịch sử các nước. Lịch sử Champa nếu được nhìn/ viết qua các phong cách điêu khắc hoặc kiến trúc thì có hay hơn không?”
Ngoài ra còn có kiểu viết lịch sử khác: như một nhà văn, dựa vào câu chuyện kể, từ kí ức của dân tộc. Ở đó tâm cảm, tâm thế cùng sinh hoạt ngoài lề của dân tộc được hiện thể qua ngòi bút của nhà văn, điều ít được đọc thấy ở những trang sử chính thống.
Inrasara: “Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc, lưu giữ – và kể câu chuyện đó đến với thế giới bên ngoài”.
Là Oral history!
P.S.
Trích Chân dung Cát:
“Tôi biết ngài giáo sư Trần Hùng đang giữ toàn bộ bản thảo thiên tiểu thuyết nhiều tập của Chế Khan. Với sự kiện, biến cố, mạch văn trải dài như thế, cuốn sách chắc chắn không dưới 1000 trang in. Thế nhưng đến lúc này, sau khi được đọc chương 1 mà, trong cơn phấn khích không kịp hối, ngài đưa cho tôi vào chiều bế mạc Hội nghị văn hóa Chăm tại Ninh Thuận. Một chương nữa do Hà Vân moi được. Rồi từ khi [bị] tuyệt giao với Hà Vân hơn năm qua, ngài trao thêm cho tôi chương 5 tôi tạm tóm lược hầu quý bạn đọc ngay phần sau. Không thêm chương nào nữa. Ngài nói như thế quá đủ rồi. Trong giai đoạn hậu kì mạt vận của lịch sử Champa, xã hội Chăm hỗn độn và bấy nát đến không còn có thể gọi là một xã hội nữa, trong đó xung đột Chăm – Việt có công góp một tay. Đưa ra hết không có lợi cho tình đoàn kết dân tộc – dù Chăm rất hiểu vị thế của mình, lúc này – mà tâm hồn thiện chí hai bên đã đổ bao công sức hàn gắn, vun đắp từ thế kỉ qua. Hơn nữa, số chương còn lại đề cập nhiều đến chiến tranh, mà theo ngài, viết lịch sử mà chỉ đăm đắm vào vụ đánh nhau giết chóc là sai lầm đầy bảo thủ của các sử gia bấy lâu. Buôn bán, thương mãi đã chẳng làm nên lịch sử của nhiều nước? Thế các ngài sử gia khệnh khạng nghĩ sao về lịch sử phát triển đạo Phật hay Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á? Không thể vận dụng duy một hệ thống sử để viết lịch sử các nước. Lịch sử Champa nếu được nhìn/ viết qua các phong cách điêu khắc hoặc kiến trúc thì có hay hơn không?”