Chuyện đời thường. THÓI THỊ PHI, TỪ ĐỜI THƯỜNG ĐẾN VĂN GIỚI

Quý bà tiếng thị phi thì miễn rồi, cả quý ông – lại là văn giới vốn được cho là cao cấp thị phi chả kém, có khi còn ác liệt hơn. Tưởng tượng, hư cấu, thêu dệt và… phát – như thật. Thương thay!

1. Đây là ghi chép từ đối thoại 2 bạn A & B, bạn đọc cần tiếp nhận ở cấp độ minh triết.

– Yut đã thuyết 34 phút, nay tới phiên tôi nhé. Yut có biết yut thông minh không? Rất thông minh nữa là khác, hơn hẳn ba ông mà yut vừa điểm danh…

[im lặng, và gật gù, dường đang nhâm nhi lời khen]

– Nữa nè, yut có biết yut là kẻ thất bại không? 

– [nhướng mày] Thành công hay thất bại mỗi người hiểu mỗi cách…

– Không sai, điều ta từng ước, từng muốn mà bất thành, là thất bại.

[cụp mắt xuống]

– Đừng phản đối, mà hãy nhìn vào bên trong mình, đếm số lượng mấy giấc mơ ngày xưa yut từng, hiện đang làm lang thang ấy.

[ngó quanh như tìm cái gì đó]

– Tại… bởi… vì…

– Không viện lí do này nọ, cũng chớ tự phê phán, mà hãy NHÌN THẲNG vào chúng, để hiểu thẳm sâu rằng: yut thất bại. 

– 34 phút, ba sinh linh bị yut chê bai, yut có bao giờ tự hỏi tại sao mình làm thế không? Để mua vui, hay tỏ ra ta đây thông minh hơn người?

Im lặng, lát sau:

– Mình chỉ kể riêng cho yut nghe thôi.

– Để làm gì cơ chứ? Họ thất bại, yut chê, mà yut có hơn gì họ? Họ thành công,  yut cũng chê, để hạ thấp thành quả đó.

[im lặng]

– Con người bất toàn, tôi cũng hệt yut. Đừng vội phán xét mình tốt hay xấu, mà hãy theo dõi diễn biến sự thể nơi tâm thức yut. Dõi theo, và hỏi tại sao mình làm thế?

– 34 phút của đời người, thay vì tạ ơn trời đất đã cho ta được sống, được hưởng thụ cái đẹp của sống, và thay vì hai ta: tôi và yut bàn về ý tưởng cao viễn nào đó, nay ta lại tiêu hoang thời gian quý giá ấy cho chuyện thị phi, yut có thấy lãng phí vô ích không? 

Chắc gì sáng mai ta còn được sống để nhìn đời, vậy sao lại ta dại dột vứt đi giây phút hiếm hoi đó cho điều không đáng? Hãy đặt câu hỏi đơn giản mà cực cốt yếu ấy, yut sẽ hiểu.

Một khi đã hiểu, đã thấy, yut vượt thoát khỏi mọi chuyện thị phi. Nói khác đi, chúng trượt khỏi yut lúc nào không hay.

Yut thức nhận sâu thẳm rằng, mình vừa sống một phần đời hời hợt và vô nghĩa.

Hiểu, và bắt đầu lại, NGAY BÂY GIỜ.

2. Sokrates: “Bộ óc lớn thảo luận về ý tưởng, kẻ trung bình bàn luận về sự kiện còn tâm hồn non yếu chuyên thị phi về con người.

Khác với Cafés in Paris, ở Việt Nam – tôi nói vui, đa phần nhà văn ta gặp nhau hiếm khi việt vị khỏi 3 thứ: Chê bai [chứ không phải phản biện] chính quyền, nói xấu nhau [kẻ vắng mặt là chính], cuối cùng quay lại chuyện đời tục lụy.

Thị phi ác khẩu đã đành, ngay cả khi ta nghe và tin kẻ thị phi, ta thành tòng phạm. Do sự tò mò của thứ tâm hồn suy đồi, cả bởi yếu đuối của ta nữa.

Khoái, ta gật gù như thể khích lệ kẻ thị phi, để được nghe thêm. Hứng, kẻ kia được trớn hư cấu và thêu dệt, đến vô cùng. Yếu đuối, dù không tin ta cũng không dám đưa ra câu hỏi:

– Có thật thế không, bạn có thể nói vụ này trước mặt anh ấy không?

Phần tôi, kẻ được cho là nhân vật của công chúng, chuyện thị phi thì bát ngát. Bài viết nào đó tình cờ đến tay, lừ đừ như ông từ vào đền, tôi chậm rãi đọc, e-hèm, hứng thì đính chính hay giải minh rồi… cất. Không website, không facebook, nếu đó không làm nên bài học cho chúng sanh! Tôi nghĩ họ đang bàn về ông Inrasara nào đó chớ không phải tôi – là xong.

Còn lời nói gió bay, tôi dặn người thân quen, con cháu trong nhà đừng hót lại bất cứ chuyện gì người ta nói về tôi. Hà cớ mình phải dằn vặt, đau khổ vì ý kiến ai đó về mình, mà đau bao tử?

Tạm kết bằng “Bộ lọc của Sokrates”.

Chuyện kể, một đồ đệ chạy đến báo với triết gia rằng, bạn của thầy vừa nói với em về thầy với ác cảm lớn. Sokrates ngăn lại: Này nhé trước khi mi kể, hãy trả lời ta 3 câu hỏi:

– Chuyện đó có là sự thật không? – Dạ, em không chắc nữa, em chỉ nghe nói.

– Vậy tin đó có ích lợi gì cho tôi không? – Dạ, chưa hắn, đó chỉ là câu chuyện.

– Nữa, chuyện mi sắp kể có tốt đẹp về người bạn tôi hay không? – Cũng không ạ.

– Vậy thì mi đừng kể, Sokrates kết.

Sự thật, lòng tốt và sự hữu ích là ba bộ lọc của Sokrates. Theo triết gia, đây là 3 câu hỏi cốt tủy mà mỗi người phải “uốn lưỡi” tự vấn trước khi nói điều gì đó.

Nhất là nhà văn… Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *