Lưu ý: “Sống triết lí Cham” không suy diễn vô bằng, mà được gợi ý từ một hạn từ, một mệnh đề hay câu trong văn bản cổ hoặc từ văn học dân gian; tôi diễn giải; và lấy chính đời tôi cùng sự thể xung quanh tôi làm bằng chứng cho SỐNG thực, qua đó làm thành triết học Cham đúng nghĩa.
+
Bị xuyên tạc, bị công phá, bị sỉ nhục…
Ariya Glơng Anak dạy: ‘dơh tanan ưn ka’ “ngưng nơi đấy, nhịn đã”.
Chia xé và sân hận đang xảy ra khắp xung quanh, Glơng Anak: “ngưng nơi đấy, nhẫn đã”.
Như cây sồi – mặc bao bụi cỏ hay đám cây kí sinh quanh mình trốc gốc hay bỏ đi, nó chấp nhận rụng hết lá, gẫy hết cành nhánh nhỏ, đứng vững trước trận bão mùa đông.
Nhẫn trước bao ngộ nhận với mắt nhìn khinh thường khắp xung quanh, nhẫn cùng nỗi cô đơn cùng cực – như ông Glơng Anak đã cô đơn.
Nhẫn, mặc mấy lăng xăng chạy vạy tìm cầu danh tiếng còm hay an ninh giả tạo.
Nhẫn, giú mình trong bóng tối vô danh, khiêm cung tích lũy từng dưỡng chất trần gian để tự nuôi lớn mình.
Nơi đời thường, ông bà Cham dặn con cháu:
‘Ưn di janưk tôk siam, ưn di rajam plôi thro liwik’: “Nhẫn nhịn chuyện sân giận để được lành, khoan hái nơi giàn cho dây bí bò lâu”.
Ở Ariya Glơng Anak, đó là nhẫn lớn: đại nhẫn.
Trước hỗn mang của thời cuộc, điên đảo của lòng người, ông hiểu và nhẫn. Nhẫn, để hiểu sâu và rộng hơn. Đó không là yếu đuối hay ươn hèn, mà là sức mạnh tinh thần thể hiện ở cấp độ cao nhất.
Chính là “Sức mạnh trầm lặng của khả thể”, như Heidegger nói.