Hôm qua tôi có cuộc nói chuyện dài [48phút] với một bạn trẻ. Xin tóm ở đây 3 ý chính:
1. Trí tuệ là quà tặng Thượng đế dành cho con người – vài sinh linh đặc biệt.
Hắn nhận ra mình khác biệt với xung quanh. Khác biệt và cô đơn.
Hắn không thể vui thú vui của bạn đồng trang lứa, của cha mẹ hay bà con họ hàng. Gắng gượng tới đâu, hắn cũng không thể. Rồi hắn thấy không cần thiết phải ép mình nữa.
Buồn lo khác, hành xử khác, cả ngôn từ cũng khác. Trong lúc họ bị xoay trong vùng xoáy cơm áo, thì điều ám ảnh hắn là những câu hỏi: Tại sao có tôi ở đây? Tôi sinh ra trên mặt đất này để làm gì? Rồi tôi sẽ về đâu?
Câu hỏi ám hắn không dứt ra được, buộc hắn tìm câu trả lời. Để rốt cùng, hắn thấy nó chả ý nghĩa gì cả, trong dằng dặc thời gian và vô tận không gian này.
Hắn nghe bất an và đau khổ. Bất an và đau khổ cũng khác người.
2. Trí tuệ tưởng là món quà lại là gánh nặng mà kẻ sở hữu nó phải mang vác. Từ chối nó – bất khả! Làm gì? – Phải chấp nhận nó, không thể khác. Là định phận của kẻ Trí tuệ.
Không thể tự sát [ý của Camus], bạn cũng không cần buông bỏ như Tất Đạt Đa xưa, hay Minh Tuệ nay. Tôi không ý định khuyên bạn làm thế, mà – khác.
Bạn giản đơn nhất có thể các nhu cầu đời thường, nói theo ngôn từ thời thượng – sống tối giản! Từ đó nhẹ nhõm lên đường đi tìm ý nghĩa cho chính cuộc đời bạn. Tìm và hành nó, biến vô nghĩa kia thành ý nghĩa, cho riêng bạn.
Không phải chân lí, mà chính cái ĐẸP cứu chuộc thế giới – Dostoievski nói. Có tài thơ, hắn làm THƠ, hi vọng nghệ thuật làm nguôi ngoai tâm hồn hắn về một loại bất tử mơ hồ nào đó, trước nỗi bất an to lớn kia.
Vẫn còn chưa đủ, bởi thế thì vị kỉ quá, Ariya Glơng Anak dạy thế. Sống là sống trong tương giao, vậy hắn cần biết “vì mọi người”. Là nhà văn, hắn kể câu chuyện dân tộc xuyên thế hệ. Là nhà nghiên cứu, hắn viết công trình mang tính phát hiện. Với tư cách một trí thức, hắn lên tiếng về các vấn đề cộng đồng. Như một trả nợ tang bồng, và như cách lưu giữ kí ức dân tộc, dù kí ức kia cũng sẽ tan biến một ngày nào đó.
3. Làm thơ, thành công – hắn vui; thất bại hắn cũng vui. Lên tiếng về vấn đề cộng đồng cũng hệt. Không phải thành quả, mà chính hành động làm nên ý nghĩa của vô nghĩa. Muốn thế, đòi hỏi sự chánh niệm! Hắn thức nhận hắn, nhìn nhận nhân loại và thế giới NHƯ LÀ THẾ. Kinh Bát Nhã:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác NHƯ THỊ quán.
“Như thị”, hắn siêu vượt vô nghĩa của cuộc đời, để sống thẳm sâu và trọn vẹn của một kiếp người.
Hỏi, đâu là TRỢ DUYÊN cho hắn hoàn thành công cuộc? Dù mỗi sinh linh Trí tuệ luôn đơn độc trên con đường chọn lựa, ở khởi điểm – hắn vẫn cần đến kẻ Trí tuệ và cô đơn khác – như hắn, đồng cảm, để đồng hành hỗ trợ nhau vượt qua biển khổ của cuộc đời. Sau đó, rũ bỏ tất cả – hắn…
“Gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi chập chùng”.