Thơ của bạn thơ-75. THẾ NÀO LÀ THƠ [TÌNH] HAY?

Ở hội thảo Văn học Ninh Thuận vừa qua, tham luận: “Thế nào là thơ hay?”, bạn thơ đưa cái kết: Thơ hay là thơ người đọc đọc xong và cảm thấy nó hay. Đúng, nhưng chưa đủ. Sao không thể thêm: Người đọc nghe khoái hoạt, bị sốc, hay đầy ám ảnh buộc họ suy nghĩ… bởi thơ đâu chỉ dừng lại ở tình, mà cả ở lí, ở tư duy, vân vân.

Và người đọc là ai? Hôm nay độc giả và cách đọc thơ có còn đơn và thuần như xưa không? Và cả quan niệm về cái đẹp nữa?

Thế nào là thơ hay, nhiều người đã bàn, và tôi cũng đã, mấy chục năm trước, miễn lặp lại. Câu hỏi hôm nay: Thế nào là thơ tình hay? Bạn Duc Dg còm: “Một trong những loại thơ sáo mòn nhất là thơ tình. Đến cả Puskin giờ đọc cũng chán”. Đích thị!

Một nhà thơ Mỹ từng tuyên: “Không thể có bài thơ hay được làm theo thể cách của 30 năm trước”. Thơ tình thì càng. Gần ta như Xuân Diệu, huống chi xa tận Pushkin, Lamartine.

Vậy làm gì, chịu thua chăng? Hậu hiện đại giải quyết nó ngon ơ! Nhà thơ giễu nhại và đùa nghịch với nỗi “sáo mòn” ấy, và còn hơn thế.

Thời hiện đại, kẻ yêu nhau thôi còn ngây thơ lãng đãng như thuở cha mẹ chúng. Cô gái thời đại mới qua 16 “kinh nghiệm” đã đầy ra, mở miệng tán tỉnh, cả hai đều hiểu đã có kẻ nói trước đó, nhai lại nhàm và chán chết. Còn thơ, nhà thơ dẫu trải nghiệm tình tới đâu tìm lách lối nào cũng đụng hàng. Làm gì? – Thì cứ xài lại chúng: “Như Carland từng nói: ‘anh yêu em mê mệt’, hôm nay anh vẫn có thể nói với em như thế”. Vậy là thoát!

Thoát “sáo mòn” chưa hẳn đã hay, nhưng nó phải khác.

“Đâm ja” của Bùi Chát khác hẳn thế đứng của đĩ Việt Nam ở Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyên Sa. Thơ tình “Yêu: Thì H[ậu h]iện đại” hay “Tập làm thơ về Phan Rang” của Inrasara, cũng có cách thoát riêng.

P.S.

[1] Bùi Chát: ĐÂM JA

Tôi lém lước bọt nên tường

tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống

tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè

xách không nàm tôi tốt hơn             mỗi khi chủ nhật

tôi nhìn tôi bay chên chời

tôi hành hạ tôi ba bữa

tôi đâm ja

tôi cêu đòi chữ ngĩa

tôi tổ chức chiến chanh

tôi lam mô vị chúa chời

tôi đánh jăng buổi sáng

tôi đâm ja

tôi cải tạo âm hộ

tôi              một tờ jấy ni hôn

[2] Inrasara. YÊU – THÌ H[ẬU H]IỆN ĐẠI      

& chúng ta yêu nhau bằng thứ tình yêu đã lỗi thời

tình yêu từng xảy ra trong tiểu thuyết

Tự lực Văn đoàn chẳng hạn. Cũng có thể gần hơn

Lối hôn này cóp của Bardot, Fonda – ai biết

thứ vuốt ve tối qua từa tựa The Pretty Woman

& chúng ta

yêu nhau như lặp lại

Như là bản sao

chán quá đi mất, em nói

hay mình lao bừa vào nhau đi anh

Nhớ anh da diết – bọn làm thơ chập cheng đã viết nát

yêu em mê mệt – Barbara Cartland đã nói rồi

điệu nghệ hơn cả anh, có lẽ

Hay ta chia tay đi em

lại là thứ chia li không miếng nào đặc sắc

na ná trong phim, xa hơn: truyện cổ tích

& thì

đành yêu tạm thôi, mình nhỉ.

[3] Inrasara. TẬP LÀM THƠ VỀ PHAN RANG

anh muốn bắt đầu bài thơ về Phan Rang bằng câu thơ rất cũ

cũng có thể bằng lối thơ rất mòn

ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới

như bao nhiêu người làm thơ khác

như bao nhiêu bài thơ khác

đường Trưng Vương quành Cà phê Việt

tóc em bay ướt hơn ca từ bóc rời từ một ca khúc sến

và mắt em sẽ ướt

cho anh có thể làm một bài thơ

                  làm hai bài thơ

                  làm thật nhiều bài thơ mà không sợ sến

(không sến thì không thành thơ tình)

Phan Rang đầy nắng và đầy gió

em Phan Rang có tên bắt đầu bằng chữ M

kết thúc bằng chữ N

cũng có thể là một tên rất sến

đã xui anh yêu thành thật Phan Rang

để anh có thể làm thật nhiều bài thơ về Phan Rang

mà không sợ sến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *