“Chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng” [?]
Inrasara: “Bắt đầu LÀM hành khất, để cuối cùng trở về LÀ hành khất”.
Bốn cứu cánh đời người. [1] Artha, bạn cần “sở hữu vật chất, để chu toàn các nghĩa vụ cuộc sống”; tiếp, Kama:“lòng ham muốn”, “là tình yêu và khoái lạc”; ở đây bạn học cách thỏa mãn người bạn tình, nâng nó lên thành nghệ thuật. Nếu chỉ có thế, khốn khổ biết bao, bạn chỉ là con thú đơn và thuần!
[3] Sống là tương giao, thế nên cứu cánh thứ ba: Dharma: “pháp” có mặt. Bạn phải hết mình phụng sự cộng đồng, tuân thủ mọi khế ước và nghi thức xã hội. Vẫn còn là chưa đủ, cả 3 thứ “tam chúng” trivarga đó.
[4] Cuối đời, bạn nỗ lực tự giải thoát để vươn đến cứu cánh tối hậu. Ở tận cùng của hành trình, khi đã tuyệt dứt mọi ảo tưởng, bạn là một thiện tri thức Kalyāṇamitra, hơn thế – một người biết Paramārtha-vid.
Biết, và sống cái biết đó. Tôi đã “hết mình & tới cùng” ở mọi chặng đời, tất cả nỗi ấy được thể hiện qua THƠ, từ rất sớm. Xin tuần tự…
[1] Hiểu sâu thẳm mình là hành khất, một sinh linh vong thân giữa đời…
Tháp nắng-1996, viết 1981
“Chúng ta còn bần cùng hơn người hành khất
đang làm kẻ lang thang trước mở cửa cuộc đời”
Sinh nhật cây xương rồng-1997
“Bao văn nhân sở hữu cả kho tàng
phí một đời xuân đi làm hành khất”
Sầu ca trên đồi cát Nam Kương -2008
“hành khất
tìm gõ cửa căn nhà người hành khất khác đi xa”
[2] Để tìm bản lai diện mục của mình, tôi đã buông bỏ, từ bỏ, giã từ, ra đi, chia ly, để làm… hành khất.
Tháp nắng-1996, viết 1981
“Ơi, cuộc tình đã vỗ bay bằng hai cánh gẫy
giã từ em – con mộng bạc màu!”
Sinh nhật cây xương rồng-1997
“Giã từ câu thơ trong xanh tôi hối hả đi ngược hoàng hôn”
“Đứa con của dòng sông quay lưng lại dòng sông
rời bỏ mái nhà, ngôi làng, cuộc tình thơm đi tìm đất hứa xa xăm”
Hành hương Em-1999
“Rời bỏ ruộng đồng quen thuộc, ngọn đồi thân thương
dong buồm vào hải đảo mù khơi bất trắc”
Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002
“Ra đi từ linh hồn ruộng đồng
linh hồn ngọn đồi”
“Một khuôn mặt rất sáng vừa rời bỏ chúng ta
quyết liệt đến tối tăm
có thể anh nhìn thấy những gì chúng ta chưa nhìn thấy
anh nghe được những gì chúng ta không nghe được”
Sầu ca trên đồi cát Nam Kương -2008
“Họ rời bỏ thành phố đi về phía đồi cát về phía quê hương”
Kết.
Tri và hành. Biết, thể hiện cái biết qua thơ, và sống trọn vẹn cái biết ấy.
+
P.S.
Triết học Ấn Độ minh định rõ bốn cứu cánh hay mục đích đời người. Cứu cánh đầu tiên: Artha có nghĩa là đại diện cho, thay thế cho, vì, nhằm vào, “là những sở hữu vật chất… để chu toàn những nghĩa vụ cuộc sống”. Bạn bị ném vào đời, hoàn toàn không do chọn lựa của bạn. Không ai hỏi ý kiến bạn trước: nơi chốn và ngày tháng năm sinh. Bất ngờ có đó, bạn học cách chấp nhận nó, không thể chối bỏ. Bạn cần bảo toàn sự có mặt ấy, bằng thấu hiểu đối tượng bạn theo đuổi, phương tiên đạt đến nó nhằm thỏa mãn nhu cầu căn bản của cuộc sống bạn. Không thể khác. Kinh tế, chính trị, tòa án, công sở… nằm ở khu vực này.
Kế đến, Kama hay dục, lòng ham muốn, “là sự khoái lạc và tình yêu thương”, là cứu cánh thứ hai. Bạn học cách thỏa mãn lòng ham muốn [dục tính] của bạn và người bạn tình. Bạn hãy biến chúng thành nghệ thuật, nghệ thuật yêu đương. Cao hơn, bạn nâng nó lên thành kinh – kinh dục lạc.
Nhưng nếu chỉ có thế, khốn khổ cho loài người biết bao: bạn chỉ là thú vật đơn thuần không hơn!
Sống là sống trong tương giao, với cộng đồng. Để tránh cho cộng đồng khỏi đổ vỡ, suy đồi, cứu cánh thứ ba: Dharma, nghĩa là pháp có mặt. Đạo sĩ Bà-la-môn khép mình vào khuôn khổ, tận tụy phụng sự công cuộc đó. Công cuộc gồm thâu mọi “bổn phận tôn giáo và đạo đức” với vô số khế ước xã hội và nghi thức cần tuân thủ.
Vẫn còn là chưa đủ, cả “tam chúng” trivarga đó. Chúng chỉ là các “theo đuổi thế gian” với bao triền phược, bổn phận với nghĩa vụ, trách nhiệm và gánh nặng.
Ở chặng cuối, đạo sĩ Bà-la-môn nỗ lực tự giải thoát để vươn đến cứu cánh tối hậu. Người Ấn sử dụng các hạn từ Mokca, apavarga, nirvrtti, và nivrtti để chỉ mục đích này. Chính tại đây, triết học Ấn Độ ghi nhận những thành tựu oanh liệt nhất trong lịch sử tri thức nhân loại.
Mokca, nghĩa là “buông, thả, trả tự do, phóng thích; ra đi, từ bỏ, rời khỏi”; hay apavarga, là “ngăn chặn, tiêu diệt, xua duổi; dứt bỏ, nhổ bật, bứt rời; hoặc nirvrtti, là “sự biến mất, sự hủy diệt, sự nghỉ ngơi, sự thanh tịnh, sự hoàn tất, sự hoàn thành, sự giải phóng khỏi sự tồn tại của trần gian”; và nivrtti là “sự ngừng lại, sự chấm dứt, sự biến mất; sự từ bỏ, sự chừa bỏ, sự thoái vị; sự đình chỉ những hành vi hay cảm xúc thế tục; sự tĩnh lặng, sự cách biệt với thế gian; sự nghỉ ngơi, niềm hạnh phúc”.
Ở tận cùng của hành trình, khi đã tuyệt dứt mọi ảo tưởng, đạo sĩ Bà-la-môn là một thiện tri thức Kalyāṇamitra, hơn thế nữa – một người biết Paramārtha-vid.
(theo H. Zimmer) [Trích “Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn và Thơ. 2008].