Tết-03. TẾT NÀY TÔI ƯỚC GÌ?

[Chuyện tôi & anh Đạm, chuyện Chakleng & điều ước cho tuổi trẻ Cham]

1. Năm 1994, từ Cư xá Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi dời về Cư xá Thanh Đa.

Hani đi đi về về lo chạy hàng, tôi và 4 đứa ở lại chăm nhau. Mỗi sáng sau khi lo điểm tâm cho bọn nhóc, tôi đạp xe qua Đại học, có mặt trước 7g.

Trưa, nhiều bận tôi chạy vội qua nhà vợ thầy Tuyên ở Tân Phú, đi và về mất 34km, rồi quành qua Trung tâm làm việc. Tối, còn thức khuya lo cho xong bản thảo Văn học Dân gian Cham, mà thời buổi ấy hãy còn viết tay nữa mới ớn.

Cày 3 loại việc 12-13 tiếng/ ngày, thân tôi hệt chú Cò ốm: 52kg! Khám, bác sĩ kêu phải truyền nước biển gấp.

Rút kinh nghiệm bản thân, TÔI KHÔNG CHO PHÉP MÌNH CHƠI DẠI kiểu ấy lần nào nữa. Từ đó, tôi xê xích 62-64kg đến tận hôm nay.

2. Phú Đạm, ông anh nông dân thi sĩ của tôi

Vào Sài Gòn, chúng tôi nhờ anh qua Cơ sở phụ trách. Do anh hay đi đám lễ [dân quê ai mà chả], sau 5 năm Hani cho thôi việc. Tội!

Tin anh lên Đà lạt hái cà-phê, thương – tôi tặng 2 ‘nuh’ dệt, tính ra khi ấy lương bằng giáo viên. Tôi dặn: Đây là vốn riêng anh, chị không xâm phạm nhé. Nhưng anh hứa rồi anh quên, để qua năm tiêu cả vỗn lẫn lãi.

Lại nghe anh lên cao hái mì, tôi quyết biếu anh cặp bò. Nhưng phận rủi cứ đeo bám anh. Cùng anh Sửu dắt về, ngay tối đó một đứa bứt cọc chạy mất, thế là bán luôn đứa còn lại. Phận nghèo lại hoàn nghèo, thân thì cứ bệnh…

3. Chuyện Chakleng

Rời phố thị ngựa xe ồn ào, về quê tưởng yên ả, ai dè…

Chiều hôm trước, thuyết giảng online “Các trào lưu thơ Việt đương đại”, đang ngon lành thì nhà bên “nổi lửa lên em”. Học viên đầu bên kia kêu: “Ồn quá, thầy khép cửa đi ạ”, trong khi ba cửa phòng văn tôi đã kín mít.

– Các bạn chờ tí nhé!

Mới 3:30g, còn nửa tiếng nữa mới hết giờ, tôi ôm laptop chạy vào… toilet, tiếp tục bài giảng. Mèng, có ai cắc cớ livestream nhà văn nổi tiếng thuyết về văn học trong toilet, hút vạn live như bỡn.

Tôi, lương hưu: không, mấy năm nay báo chí chối đăng bài, các nơi – ngoài Đại học Văn Lang và Cà-phê thứ Bảy, không đâu còn mời nói chuyện nữa… nghĩa là thất thu toàn tập. Mới nghĩ ra món dạy online mà bị đạn như vầy, thì kẹt lớn. Làm gì? Ở Sài Gòn dễ, tôi chỉ cần nhấc máy lên méc Tổ Khu phố, là tắt đài, chớ ở đây, toàn bà con không à!

Hiến pháp Hoa Kỳ ghi rõ: “Mỗi công dân được bảo đám quyền tự do [mở nhạc], nhưng không vi phạm quyền tự do [nghe nhạc] của người khác”. Luật pháp Việt Nam: Phạt karaoke nếu chơi quá 10g tối. Còn đây là NHẠC, chưa có luật rõ ràng thì sao?

Âm nhạc là nghệ thuật đỉnh cao, giúp giải trí và xả stress, chớ loa mở hết cỡ thì khác. Mình mở nhạc, là quyền, nhưng quyền đó nên vừa ĐỦ NGHE cho nhà mình; chớ nó làm ô nhiễm môi trường âm thanh là có vấn đề.

Láng giềng có cần nghe đâu? Chakleng lâu nay chưa từng. Bà con có cao kiến gì, góp lời với!


4. Thêm đồng chí karaoke nữa!

Năm kia họp lớp, sau màn ăn uống, các bạn học cũ rục rịch karaoke, tôi xin phép về. 40 năm xa gặp lại, bao kỉ niệm để kể, rồi cả mớ kinh nghiệm ứng xử với con cháu, bài học sức khỏe cho tuổi già ta không truyền đạt, lại đi hát hò, mà U70 rồi nhỏ em gì cho cam!

Cả cánh trẻ cũng thế, sao cứ trẻ là phải… chơi? Chơi, sao không chơi cao cấp hơn? Như các bạn học của bọn trẻ nhà tôi, dăm sáu đứa gặp mặt: Cầm guitare hát cho nhau nghe, đứa năng khiếu thơ đọc bài thơ mới làm, đứa có chuyện hay mang ra kể, đứa bình cuốn tiểu thuyết đang gây xôn xáo dư luận… Câu chuyện vừa thanh tao vừa trí tuệ, không hơn sao.

Ước gì thế hệ trẻ Cham hôm nay được mới hơn, khác đi.

Kết.

[1] Sẽ có bạn cho mỗi người mỗi thích. – Đúng, nhưng sao ta không thể làm khác đi, hay hơn, nâng tầm lên? Và, thích của bạn XÂM PHẠM cái thích của kẻ xung quanh, có nên không?

[2] Hay có người hỏi: Tôi mở loa to, tôi karaoke không ai nói, sao mỗi ông nói? Xin hỏi lại: Mồ mả Ghur Bà-ni bị xâm hại, Giáo viên Trường Dân tộc nội trú bị ức hiếp, KHÔNG AI NÓI CẢ, SAO MỖI SARA LÊN TIẾNG?  

[3] Khác với các đại gia Việt Nam rất ít biết đến SÁCH, giới tỉ phú Mỹ ngược lại, học đọc khủng luôn! Giàu+sang+trí tuệ là thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *