[& “Nếu hạt lúa không chết đi”]
[1] Một cụ nói, nếu quý ông Cham còn ‘thau krưn’ (nhìn ra) akhar’, quý nàng Cham còn giữ được ‘khan’ (váy) đồng âm “khanh”, thì chớ lo Cham mất.
Trước 1975, 10 năm Trường Trung học Pô-Klong, nữ Cham đã giữ được ‘khan’, riêng nam sinh chúng tôi tại các trường Tiểu học thuở ấy vẫn còn phải học ‘akhar’ năm đực năm cái. Thế nên sau khi Pô-Klong tiêu biến, Ban Biên soạn sách chữ Chăm thành lập năm 1978, được cho là một cột mốc lịch sử.
Cham cảm ơn Chính phủ ta lăm lắm. Cảm ơn và hồ hởi…
18 sinh linh được cho là giỏi Akhar thrah nhất Cham khi ấy, từ Parik, Krong tụ về Phan Rang nhập cuộc. Lâm Nài, Qua Đình Bồi, Lâm Gia Tịnh, Quảng Đại Hồng, Phú Văn Kỉnh, Châu Văn Kên… nghiên cứu, cải cách chữ, soạn sách Ngữ văn. Và không kể đói khát, bằng đủ phương tiện thô sơ, quý thầy vượt qua hàng trăm cây số đường túa đi các trường theo dõi dạy và học. Là thế hệ đầu đàn của Ban.
[2] Cuối năm 1981, tôi đang kế toán trưởng HTX Nông nghiệp Mỹ Nghiệp – huyện Ninh Phước, anh Bạch Thanh Chạy là Phó Ban phụ trách chính – đạp xe qua Chakleng, gợi ý kéo tôi về.
Nhớ, đó là thời đất nước trường kì ăn độn, mà công điểm chủ nhiệm HTX ngang lương thứ trưởng, phần tôi no đầy phải biết. Chớ về Ban tôi chịu đồng lương chết đói, vậy mà – hòa cùng nỗi phấn chấn ấy, tôi đã “dạ” không chút ngại ngần.
Về, tôi sắm vai kế toán, mà kế toán ở đây mỗi cuối tháng làm loáng cái báo cáo là xong, chiếm chưa tới một ngày của tôi. Thời gian còn lại tôi đắm mình vào sách ngôn ngữ học các loại, và… thơ.
Nghiên cứu từ vựng học, tôi giúp được BBS: Chỉnh sửa câu chữ, lỗi chính tả, đánh thức vài từ sắp đi vào nghĩa trang chữ. Không làm chuyên môn, khi ấy đầu xanh tuổi trẻ nhỏ tuổi nhất Ban mà tôi được quý thầy tin nghe, phải nói là hơi bị… siêu.
[3] Năm 1983, Tổng kết “5 năm Ban Biên soạn”, anh Chạy khi ấy bệnh đang trở nặng, đã trụ lại đọc “tổng kết” để phải đi xa một tuần sau đó. Rồi thầy Quảng Đại Hồng, sau đó là bác Lâm Nài. Phần tôi cũng ra đi, tung cánh vào vùng trời khác.
Ban Biên soạn ở lại, để rồi nó cũng buộc phải đi xa. Trò chơi kết thúc, giấc mơ làm lạc loài. “Nếu hạt lúa không chết đi”… (Phúc Âm). Vâng, nếu những “hạt lúa” ấy không chết đi, thì cộng đồng Cham có đâu cánh đồng Akhar thrah trĩu hạt như hôm nay.
Không đáng nói lên lời cảm tạ sao!
P.S.
Bài tùy bút viết vào cuối Thu Hà Nội năm 1998.
Văn xuôi 03: Nếu hạt lúa không chết đi | Inrasara.com
Ban Biên soạn sách chữ Chăm, Dấu ấn để lại