Sống triết lí Cham-49. CHAM & TRIẾT LÍ CHIẾM HỮU

[Giải minh về: Đất, Tù binh, Mỹ nhân]

Tút “Sự thật không sử gia nào nói…”, bạn NVN còm: “Tham thì chỉ có thánh nhân mới không, còn thì do Cham không giữ nổi, bị đánh bật ra nên không chiếm giữ”.

Còm vừa phiến diện vừa lạc bình diện, nói khác: sai lầm về phạm trù. Ở đây tôi đang giải minh mang tính triết lí, chứ không thuần lịch sử sự kiện. Tút nhấn vào ý: “không tham để chiếm lấy cái KHÔNG THUỘC VỀ MÌNH”, và giải thích: Không cần phải “thánh nhân”, ngay phàm nhân Cham cũng KHÔNG DÁM THAM.

Bàn về 2 cái nhỏ trước.

TÙ BINH

Champa không bắt tù binh Đại Việt về là vì triết lí sống, chứ không phải do “không giữ nổi”. Cham coi con người không là chiến lợi phẩm, lấy mang về sử dụng. Với Đại Việt là vậy, Khmer cũng không khác, tuyệt không có bóng dáng tù binh Khmer trên đất Champa.

Người Việt dễ, tù binh Cham đến, cho làm đủ chuyện, cả lập gia đình rồi biến họ thành Việt. Ngược lại, Cham có thứ tôn giáo đóng, không muốn ai vào đạo của mình. Với người ngoại tộc, dắt họ về cho họ nằm ngoài Kut, Ghur càng thêm phiền. Không bình chuyện hay dở, mà đây là sự thật.

MỸ NHÂN

Chế Bồng Nga không chiếm mỹ nhân Đại Việt chả phải vì không ham hay “không giữ nổi”, mà ổng biết: họ không thuộc về mình. Còn nếu thích thì cắt đất mà đổi, chứ không chiếm lấy – thái độ rất… quân tử Chàm! Vua Lý ứng xử với Mỵ Ê rất khác: Chiếm và muốn xài ngay, cuối cùng đẩy người ta xuống sông.

Tham gái đẹp thì ông nào mà chả. Có thể ba bận ra ngoài đó, họ Chế ta cũng đi hát ả đào gác tay gác chơn này nọ, chớ dắt về thì không. Chết với bà xã!

VỀ ĐẤT

[1] Xưa, CBN ra đánh chiếm Đại Việt, rồi về. Vương quốc Khmer cũng bị Champa mấy bận vào đánh, rồi về. Không di dân đến ở, bởi Cham biết đó không là đất của mình.

Ngay đất “trống” như Đồng Nai, Long Khánh phì nhiêu là thế, Champa không di dân vào, mà mấy ngàn năm cứ bám lấy mảnh đất Pangdurangga cằn cỗi. Tại sao? Vì đất đó chưa được ‘padok kiak’ đặt viên gạch [dựng tháp] để thành đất thánh ‘tanưh nưbi’, đất tâm linh.

Đó chính là quan niệm, là triết lí sống.

[2] Nay cũng hệt

Ghur Raneh Bà-ni ở Ninh Thuận 2ha đất, không rào. Dù thiếu đất ở đến đâu, tuyệt không Cham nào dám làm nhà bên cạnh, nói chi lấn chiếm. Bà con Việt thì khác: Lấn, có người còn xây nhà ngay trong khuôn viên “nghĩa trang” ấy!

Chakleng có 3 khu “thổ mộ” cạnh làng, khi làng mở, người quê tôi chấp nhận dời lên miệt núi cằn chứ không ai DÁM lảng vảng ghé khu đất đó. Thế mà 3 gia đình Việt “dũng cảm” qua dựng nhà sát cạnh, người Chakleng nghĩ: Họ canh ma giúp mình, và vui vẻ chấp nhận!

[xem: Inrasara, Chakleng, từ mảnh ghép kí ức, 2023]

[3] Cham đi xa

Hồi bé đi qua các làng Việt, tôi thấy rất lạ: Mộ nằm rải rác khắp, trong khuôn viên nhà, ngoài ruộng rẫy… Cham thì khác. Qua tuốt Hoa Kỳ, họ cũng tìm mọi cách để cho ‘klong’, ‘kaya amưh’ về nằm Kut, Ghur đất mẹ.

Trong nước, cả mớ sinh linh làng Thành Tín di vào Long Khánh làm ăn non nửa thế kỉ, đã có người tính dựng Sang Mưgik ở đó cho tiện, nhưng rồi: Không, “thân” phải về với đất mẹ của mình.

Làm gì? – Chỉ khi “văn hóa Cham nhìn từ Cham” ta mới hiểu, và đả thông nhau. Bằng không muôn đời, như Lưu Trọng Lư viết: “Hiềm kẻ Việt người Chàm khó cản thông…

Nêu sự thể không phải khen chê, mà phân tích để biết sự thật – sự thật xuất phát sâu thẳm từ miền tâm thức dân tộc – từ triết lí sống. Để, “hiểu thì càng yêu hơn”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *