[Bàn tròn Văn chương, Cà-phê thứ 7, Ra mắt sách…]
Nơi cõi Văn chương, dính chuyện thị phi ngoài lề, tôi cực “nhẹ roi” ‘njôl hawei’. Nhận vai Chủ tịch Hội đồng Thơ, Trần Mạnh Hảo, Đông La, Đỗ Hoàng mới nhá xèng, tôi đã chạy mất giày; chớ chuyên môn, tôi lì đòn phải biết. Cứ xem tôi ứng xử với Hậu hiện đại cũng đủ biết.
Từ chối con đường mòn – Đi vào cõi văn chương là phiêu lưu vào thế giới bất khả đoán với nhiều bất ngờ, thế mới vui.
BÀN TRÒN VĂN CHƯƠNG là trò chơi ngoại vi của tôi ở Hội Nhà văn Việt Nam. Ở đây tôi cũng vận dụng Lí thuyết Trò chơi vào cuộc.
[1] Người chơi
Đọc vị “đối phương”: Hội Nhà văn không chống dù không thuận;
Ta: Nhu cầu sinh hoạt ngoại vi của các cây bút không bó mình trong phạm vi chính thống, là có thật. Họ chấp nhận nhập cuộc chịu chơi, một trò chơi vô tư và vô vị lợi.
[2] Chiến lược và Quy tắc
Địa điểm, tùy. Người chơi hạn định số lượng kẻ yêu văn chương, không kể tuổi tác, trình độ, trong hay ngoài nước, đã hay chưa là Hội viên Hội Nhà văn… đăng kí trong tuần. Chủ đề: Tự do, ưu tiên về hướng mở, tác giả, tác phẩm, trào lưu mới do BTVC kì này đề cử cho kì sau.
Chủ trì: Tôi cùng một nhà văn trẻ đồng chủ trì thay đổi qua mỗi kì.
Quy ước: Chủ trì không nói nhiều mà chỉ cần làm 3 điều: Gợi hứng, gợi mở, và cắt nếu có lạc đề. Tham luận, không đọc, mà “nói” ý chính; Thảo luận tự do, không khen không chê mà nêu lên cái mới, khác ra phân tích; Ghi Biên bản chi tiết, BB này thuộc bản quyền của BTVC.
[3] Kết quả
Mỗi tháng một kì, qua 12 kì, “ở trong đó ông Inrasara làm hay và rất chuyên nghiệp” [chữ của nhà văn Lê Văn Thảo]. Tiếc, hai lần trò chơi bị phạm quy, tôi không muốn mình phải giơ thẻ đỏ lần ba, xin nói lời bái bai trò chơi thú vị này.
CÀ-PHÊ THỨ 7– Dự án của Cà-phê Trung Nguyên do nhạc sĩ Dương Thụ quản trị, cũng là sinh hoạt ngoại vi. Trước tôi, có hai bạn chủ trì. Nếu Nguyễn Thị Từ Huy chuyên về nhà văn nước ngoài, hay chủ đề chính của Nhật Chiêu là về cái cũ, tôi hướng đến cái mới, nóng đang diễn ra như:
– Văn học ngoại vi Việt Nam, – Về đâu, Tân hình thức Việt? – Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt, – Chúng ta nợ gì văn học miền Nam? – Nhà văn Việt Nam sợ đứng trước công chúng, tại sao? – Phê bình văn học đang ở đâu?…
Ở đây, tôi dành nửa thời gian cho thuyết, nửa còn lại cho trao đổi.
RA MẮT SÁCH
Tôi ưu tiên tác giả chưa có tên tuổi, hay tác phẩm khó tiếp cận người đọc. Nêu 1 tiêu biểu: Tập thơ đầu tay Giữa hai khoảng trống của thi sĩ nữ trẻ Cham: Kiều Maily.
Lần đầu tại Sài Gòn, chiều mưa như trút mà quán cà-phê 60 chỗ ngồi chật như nêm. “Thơ bán không tặng” tiêu thụ hết 200 cuốn. Lần hai tại Phan Rang, tôi mời Hội VHNT Ninh Thuận dự, quan ở đây kêu:
– Chả ai đến đâu, anh Sara à, cùng lắm vài ba người quen thôi.
– Sara làm thì phải khác chứ.
– Anh qua nói với Sở một tiếng…
Ý “xin phép”, tôi cười thầm: Mèng, đây là công chuyện của Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, hắn không làm thì còn ai vào đây, sao lại đi xin phép ai cơ chứ.
Cuộc diễn ở tỉnh lẻ, không quảng cáo chẳng băng-crôn mà hút được non 50 người yêu thơ tụ về, tiêu thụ dễ đến trăm cuốn.
Bất ngờ, và… vui đáo để.
Văn chương hôm nay, đâu là và ai có thể bày ra trò chơi mới?