Quần chúng Việt nghĩ cần làm điều gì đó tốt lành ở đời này hòng giải nghiệp, để hưởng phước nơi kiếp sau. Dân gian Cham còn tưởng tượng khi chết đi ta sẽ gặp ông bà, cha mẹ đủ thứ ở thế giới bên ấy.
Ở cấp độ cao hơn – triết lí Cham. Cụm từ cuối cùng của trường ca triết lí Ariya Nau Ikak: “sang thei thei wơk’: “nhà ai nấy về”. Nghĩa là nhà riêng, không chung đụng ai ở đó cả! Cá nhân tìm thấy “Nhà” và về đến “Nhà” là sống tự do tự tại ở “Quê hương”, thoát khỏi sợ hãi cùng mọi buộc ràng các loại.
Thế nào là luân hồi? Và làm sao thoát khỏi luân hồi? là câu hỏi không phải chỉ riêng nhà Phật. Luân hồi tiếng phạn “Samsara” tức “luân chuyển”, là “bánh xe xoay tròn”, do sự tác động liên tục của nhân và quả. Con người chìm đắm trong vòng luân lưu bất tận đó: KHỔ.
[Tham khảo: Vòng hồi quy vĩnh cửu “eternal recurrence” của Nietzsche].
Vì đâu con người bị luân hồi? – Tắt một lời, do vô minh tham sân si cùng tưởng tượng bệnh hoạn che lấp, thao túng.
Làm thế nào thoát khỏi nó? – Khai minh! Nói theo ngôn ngữ Triết học phương Tây, bạn phải dứt khỏi giai đoạn trẻ con để thành người lớn. Hay Phật giáo: “Bước ra khỏi rừng mê” tức Niết bàn nirvāṇa – kết quả của giác ngộ cá nhân và đó là sự thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Krishnamurti: Hãy chết đi thời gian, cả chết đi kì gian (thời gian ngắn nhất). Quá khứ: không, tương lai: không, mà ở đây và lúc này – ngay trong kiếp này.
Để không phải chịu trận chìm nổi trong “Vòng hồi quy vĩnh cửu”, không xuôi dòng cũng chẳng ngược dòng, mà biết:
“[Chỉ chúng ta, kẻ] nằm ngang thời gian
Là không rớt lại” (Hành hương Em-1999)
“Chết đi thời gian” là chánh niệm. Từ chánh niệm đến chánh định. Nó không xảy ra sau đó, mà cùng thời – chánh niệm là chánh định, tức “ở đây và lúc này”. Sống, làm, viết “ở đây và lúc này”, luân hồi chấm dứt lúc nào không hay.
Bằng không, bạn mãi làm lang thang rồi chìm ngập trong vô lượng kiếp luân hồi. Hãi sợ, “luân hồi” bị biến thái thành thứ mê tín vớ vẩn của trò trẻ nhỏ.
“Ở đây và lúc này”, ta vui và làm việc và sáng tạo.
Tại sao tôi viết được nhiều, làm được hiệu quả, và sống vui? – Bởi tôi luôn tâm thái “ở đây và lúc này”. Tôi chánh niệm điều tôi đang làm, trang văn tôi đang viết, ngoài ra không gì khác. Cũng là chánh định.
Chánh niệm không phải vắng mặt kí ức, mà kí ức từ thẳm sâu tôi thức giấc tùy nghi kéo đến, tự nhiên như nhiên trong hành vi viết của tôi.
Henri Miller: “Tất cả chỉ xảy đến một lần nhưng vẫn còn lại mãi mãi trong vạn đại. Nếu không có gì mất thì cũng chẳng có gì được. Chỉ còn lại những gì còn lại. Tôi là”.
“Là” “sein” “being” là dụng ngữ cốt tủy của triết học Heidegger. Hay: “Tất cả là bây giờ, duy nhất” (Eckhart). Ở đó, luân hồi vong bặt.
P.S.
“Nỗi thiếu Quê hương trở thành định mệnh của thế giới. Chính vì thế, sự thiếu vắng đó cần phải được suy tư trên bình diện lịch sử của Hữu thể. Như vậy, điều mà khởi từ Hegel, Marx đã truy nhận theo một nghĩa tinh yếu và quan trọng như là sự vong thân của con người, điều ấy cắm rễ thật sâu trong nỗi thiếu Quê hương của con người hiện đại.”
Homelessness is coming to be the destiny of the world. Hence it is necessary to think that destiny in term of the history of Being. What Marx recognized in an essential and significant sense, though derived from Hegel, as the estrangement of man has its roots in the homelessness of modern man.
(Heidegger, bản dịch của Miles Groth, Letter on “Humanism)
+ Tút này tôi dẫn hơi nhiều, để tỏ rằng Đông Tây kim cổ và cả Cham luôn gặp nhau ở tư duy tầng cao.