[Khởi đầu từ Kut]
Làm sao mở ra thế giới mà vẫn bản sắc, hiện đại mà ta vẫn truyền thống thì không thể không thay đổi, cải cách. Trong loạt bài về vòng đời một sinh linh Cham, thay vì bắt đầu từ oe oe khóc ra đời cho đến nhập Kut, tôi thử đi ngược lại – từ KUT. Tạm lấy Chakleng đất văn vật ngàn năm làm khởi điểm.
Kut – tạm dịch là “Nghĩa trang tộc mẫu Cham Bà-la-môn”, thường nằm ở bìa làng. Như Kut Gaup Gađak tộc họ Anak của tôi, mới thập niên 1980 thôi, vào đầu hôm hay giấc gà gáy sáng, mỗi lần đi ngang qua là mỗi lần tôi ù té chạy. Nó âm âm u u đầy dọa nạt. Can đảm lắm ban trưa tôi mới lén nhìn vào phía trong, chỉ thấy loáng thoáng dãy đá Kut thấp lè tè mùa mưa cây cỏ mọc tràn lên phong kín.
Mỗi bận có lễ, mà lễ ở đây cực hiếm, vài gia đình được Pô Adhya “mở cổng” vào cúng tế, người nhà phát dọn vài khoảnh đất đủ đặt mâm lễ vật là xong. Vội vội vàng vàng như… chạy giặc ‘đôic di kalin’.
Chỉ có lễ Nhập Kut ‘Ba talang ta Kut’ – 20-25 năm một lần mới xôm tụ. Xôm tụ với phía góc khuất nơi đặt “Kut lihin’ “tinh cốt của những chết không lành” vang lên những tiếng khóc than một thôi, rồi im bặt. Hành lễ vội vàng, khóc thương cũng vội vàng. Như thể cầu cho sớm xong.
Truyền thống tâm thế “chạy giặc” năm nào còn rơi rớt lại chăng?
Buổi tối cuối cùng của lễ mới tội, ở đó chỉ có các vị chức sắc với chục người phụ trách chính cùng vài bà còn nán lại. Râm ran câu chuyện hòa với tiếng cầu kinh cùng điệu Kanhi vang vào đêm tối.
Hôm nay Kut đã khác, rất khác.
Khác, khởi từ 1990. Từ ý tưởng của Pô Adhya Hán Bằng, chú Đạt Chữ và bà con Tộc họ Anak.
Rừng xương rồng nằm giữa ấp Chiến lược cũ nơi “Cổng đồn trên” ‘Babbak Đôn Ngok’ mà bên dưới lùm cây um tùm kia sót lại bao nhiêu là đạn bom thời chiến tranh còn chưa xa, được phát quang. Tiếp đến vòng Kut được xây tường thành đặc trưng Cham che chắn. Có sân, có cổng vào với vài cây ‘gađak’ truyền thống ở lại.
Là cuộc cách mạng ở thời điểm đó, đích thị.
Cách mạng với ‘sang Kut’ được dựng lên, với việc dời ‘Kut lihin’ nằm chung phần Kut trung tâm, và cả cách sàng lọc rất thoáng “loài” ‘talang lihin’ (tinh cốt của người chết không lành) nữa! (xem tiếp ở bài 2).
Từ đó – khi Chakleng mở, Kut Gaup Gađak nằm ngay trung tâm làng, làm nên một điểm tham quan nghiên cứu sáng giá.