Lạ lắm, tôi chưa thấy mình già bao giờ cả!
Sống triết lí Cham, 55 tuổi – tuổi “đi vào rừng”, khi đã giao lại toàn bộ tài sản cho vợ con, cả khi 65 tuổi – “phong phanh giữa trời đất”, tôi vẫn nghe mình như đang ở tuổi đứng bóng mặt trời, chỉ khác nhau chút chút.
Vẫn dậy sớm, vẫn thể dục, lưng vẫn thẳng, bước đi vẫn thanh thoát, rồi vẫn mấy món điểm tâm giản đơn ấy mà không chán. Vẫn mỗi sáng là mỗi status, đều đặn, như ăn ngủ…
Thơ, nếu thời “đi vào rừng” tôi có: Sầu ca trên đồi cát Nam Kương – trường ca, và bản thảo thơ Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ, thì qua tuổi “phong phanh”, tôi có ngay trường ca Đánh thức lãng quên.
Truyện, nếu giai đoạn-3 là: Đi tìm hồ sơ một huyền thoại -tiểu thuyết xã hội, và Những biểu tượng thất truyền – truyện vừa, qua giai đoạn-4, tôi cũng đang lên cơn với tiểu thuyết dữ liệu dài: Đường về Chàm.
Đó là chưa kể tiết mục Phê bình, Nghiên cứu, Hoạt động xã hội… Nghĩa là vẫn tràn đầy năng lượng, như chàng tuổi trẻ xa xưa ấy.
Sao lại phải già nhỉ?
Khi mình nghĩ mình già là mình già. Sợ già, tuổi gia càng đến sớm. Tóc có bạc hay đầu có hói, thì cứ cho nó thế, có sao đâu. Cơ bắp có nhũn, thì ta giảm cường độ vận động tí. Mắt có lên lão, thì ta đọc ít hơn, suy nghiệm đời nhiều hơn. Ta sâu sắc hơn, để mà vui, mà sướng với niềm suy tưởng của mình.
Hiểu đời, ta bớt đi nỗi thị phi, lời khen chê thật hay giả, để sống hòa ái hơn, yêu sâu thẳm niềm cô đơn hơn. Nhất là ta tự do khỏi mọi vướng bận.
Còn chuyện yêu đương ư?
Victor Hugo nói: Thanh niên thì đẹp trai, tuổi già thì vĩ đại.
Thế giới vẫn còn khối cô gái yêu sự vĩ đại! Chớ mấy chàng đẹp trai mà đầu óc rỗng tuếch ăn nói ớn thấy mồ.